Chị em phụ nữ xử lý rơm, rạ sau thu hoạch để bảo vệ môi trường

Giang Châu, Anh Nguyên-Thứ bảy, ngày 26/11/2022 12:54 GMT+7

VTV.vn - Những thứ rơm rạ, rác thải tưởng chừng như sẽ bị bỏ đi lại được tái chế để phục vụ cho những hàng cây xanh mướt, góp phần bảo vệ môi trường.

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc đốt rơm rạ đối với môi trường, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội đã triển khai mô hình điểm "Phụ nữ tham gia xử lý rơm, rạ sau thu hoạch". Từ năm 2020 đến nay, nhiều chương trình tập huấn đã đến với bà con nông dân ở huyện Sóc Sơn, giúp họ biết cách ủ rơm rạ thành phân bón giàu dinh dưỡng. Qua nhiều nỗ lực tuyên truyền, một thói quen tốt cũng đã được tạo ra, vừa tiết kiệm kinh tế, vừa thân thiện với nông nghiệp.

Thay vì bị đốt ngoài đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường, những phần rơm, rạ sau thu hoạch đã được bà Muôn và các chị em phụ nữ xã Phù Linh mang về ủ thành phân bón hữu cơ.

Chị em phụ nữ xử lý rơm, rạ sau thu hoạch để bảo vệ môi trường - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Thúy - xã Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội - chia sẻ: "Trong này có lá đu đủ và các thành phần làm IMO như chuối, sữa chua, men tiêu hóa. Men vi sinh sẽ sinh sôi và sẽ phân hủy rơm".

Bà Nguyễn Thị Muôn - xã Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội - cho biết: "Được Hội Phụ nữ huyện Sóc Sơn về tư vấn không đốt rơm rạ, tôi đã nhận thức được. Chở rơm rạ về thì cứ phủ một lớp bèo tây lên, tưới nước IMO, sau đó lại tiếp tục lượt khác. Làm phân bón cho những ruộng nhà tôi, nhất là vườn rau, thấy khác hẳn lúc trước toàn dùng lân với đạm. Không khó khăn gì cả, chỉ kiên trì một chút là được thôi".

Thành phẩm được bà Muôn ủ từ vụ chiêm cách đây gần nửa năm đến nay đã trở thành "thức ăn" giàu dinh dưỡng cho những luống rau xanh của nhà mình. Với những hiệu quả rõ rệt cả về kinh tế và môi trường, người dân đã dần thay đổi nhận thức và kiên trì hành động, từ đó giúp giảm tình trạng đốt rơm rạ lên đến 80% so với trước đây.

Chị em phụ nữ xử lý rơm, rạ sau thu hoạch để bảo vệ môi trường - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Thắm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội - bày tỏ: "Bây giờ phải thay đổi thói quen của mọi người, thu gom rơm rạ thay vì là đốt. Nó là cả một quá trình rất khó khăn, phải nỗ lực tuyên truyền rất nhiều. Thu gom rơm rạ hoặc cho những hộ có nhu cầu để trồng nấm hoặc phủ đồi cây ăn quả. Kết quả, tình trạng đốt rơm rạ trên địa bàn hầu như còn rất ít".

Chị Vũ Thị Sen - xã Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội - cho hay: "Cứ thứ Bảy hàng tuần là vệ sinh sạch sẽ môi trường và chị em cũng bón cho một tuyến đường hoa như này. Cũng rất tự hào là người con của thôn Vệ Linh, có một chút nho nhỏ đóng góp vào làm cho quê hương xanh sạch đẹp".

Chị em phụ nữ xử lý rơm, rạ sau thu hoạch để bảo vệ môi trường - Ảnh 3.
Chị em phụ nữ xử lý rơm, rạ sau thu hoạch để bảo vệ môi trường - Ảnh 4.

Vừa qua, đề án "Phụ nữ Sóc Sơn phân loại rác thải tại hộ gia đình và khởi nghiệp từ rác hữu cơ giai đoạn 2021 - 2023" cũng đã được triển khai trên toàn huyện. Những thứ rơm rạ, rác thải tưởng chừng như sẽ bị bỏ đi lại được tái chế để phục vụ cho những hàng cây xanh mướt, và hơn cả là tạo nên sự đoàn kết chung tay bảo vệ môi trường của cả một cộng đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước