Chuyện chống lũ ở đập Tam Hiệp mang đến bài học gì cho Việt Nam?

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 01/08/2020 17:14 GMT+7

VTV.vn - Bài học chống lũ từ Trung Quốc khiến Việt Nam phải nhìn nhận lại về công tác theo dõi giám sát mưa lũ ở các hồ chứa, sử dụng lòng sông, bãi sông và hệ thống đê điều.

Thiên tai, dịch bệnh đang là những mối hiểm họa lớn nhất của nhân loại. Mưa lớn đã và đang xảy ra tại nhiều nước trong khu vực, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Việt Nam đã vào mùa mưa, bắt đầu từ cách đây 10 ngày tại Hà Giang và một số tỉnh miền núi.

Đặc biệt chỉ trong 10 tiếng vào đêm 20/7, sáng 21/7 đã mưa trên 400mm, gây nhiều thiệt hại. Theo dự báo, vào đầu tháng 8, tại nhiều địa phương sẽ có đợt mưa lớn trên diện rộng, có nơi mưa to và rất to.

Công tác đối phó với tình hình mưa lũ phức tạp đã được chuẩn bị thế nào? Các công trình phòng chống thiên tai hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu chưa? Còn có những khó khăn, bất cập nào?

Những vấn đề này đã được bàn luận trong chương trình Sự kiện và Bình luận ngày 1/8 với sự tham gia của 2 vị khách mời là ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai và ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn.

Từ đầu tháng 6 đến nay, Trung Quốc đã phải hứng chịu rất nhiều trận mưa lớn kéo dài và trên diện rộng. Nhiều địa phương ở miền Nam và miền Đông Trung Quốc đã nâng cảnh báo mưa lũ lên mức cao nhất - cảnh báo đỏ.

Chuyện chống lũ ở đập Tam Hiệp mang đến bài học gì cho Việt Nam? - Ảnh 1.

Nước lũ được xả tại Đập Tam Hiệp, 19/7/2020 (Nguồn: Xinhua)

Từ đầu mùa lũ đến nay, Trung Quốc đã có ít nhất 141 người chết - mất tích, hơn 40 triệu người bị ảnh hưởng nặng nề. Thiệt hại vật chất thống kê chưa đầy đủ hơn 12 tỷ USD.

Ngay cả con đập lớn nhất thế giới Tam Hiệp trên sông Trường Giang ghi nhận mực nước tích trong lòng hồ cao kỷ lục từ trước đến nay là 164,18 m, tích trữ 14 tỷ mét khối. Theo thiết kế dung tích hồ chứa của Đập Tam Hiệp lên tới 22 tỉ mét khối.

Đánh giá về tình hình mưa lũ ở Trung Quốc, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết, đã có 433 con sông vượt báo động, mưa lũ làm hồ chứa phải xả lũ cùng nhiều tuyến đê bị phá hủy, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.

Chuyện chống lũ ở đập Tam Hiệp mang đến bài học gì cho Việt Nam? - Ảnh 2.

Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai

Nhận định bài học cho Việt Nam trong câu chuyện kiểm soát lũ ở đập Tam Hiệp, ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh: "Tam Hiệp là công trình cắt lũ lớn nhất so với các quốc gia khác. Khi Tam Hiệp xả lũ để đảm bảo an toàn thì hệ thống đê điều gặp sự cố. Đối với Việt Nam, từ khi xây dựng hồ Hòa Bình và hồ Sơn La, các cơn lũ vặt thì chúng ta đã cắt được lũ. Nhiều đồng chí trong lĩnh vực phòng chống thiên tai cũng nhận thức được hồ Hòa Bình và hồ Sơn La cắt xong lũ, nhiệm vụ của hệ thống đê điều trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đang giảm đi nhiều, không cần đầu tư nhiều. Tôi cho rằng đây là nhận định không phù hợp với tình hình thực tiễn do diễn biến của mưa lũ.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nhấn mạnh, bài học từ Trung Quốc khiến chúng ta phải nhìn nhận lại về công tác theo dõi giám sát mưa lũ ở các hồ chứa, sử dụng lòng sông, bãi sông và hệ thống đê điều. Hệ thống đê điều vẫn phải là công trình phòng chống lũ trọng điểm nhất.

Trung Quốc: Nhiều tỉnh ban bố cảnh báo đỏ về lũ lụt, đập Tam Hiệp căng mình chống lũ Trung Quốc: Nhiều tỉnh ban bố cảnh báo đỏ về lũ lụt, đập Tam Hiệp căng mình chống lũ

VTV.vn - Nhiều địa phương ở Trung Quốc như thành phố Vũ Hán, các tỉnh An Huy, Giang Tây và Chiết Giang vừa ban hành cảnh báo đỏ về lũ lụt.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước