Đã có 10.041 người được tiêm vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca

N.M (t/h)-Chủ nhật, ngày 14/03/2021 08:15 GMT+7

Nhân viên y tế Bệnh viện Phổi Đà Nẵng tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh: SK&ĐS

VTV.vn - Thông tin từ Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia, riêng trong ngày 13/3 có 4.793 người được tiêm chủng, không ghi nhận trường hợp nào phản ứng nặng sau tiêm.

Số người được tiêm phòng những ngày qua là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng.

Chi tiết 10.041 người được tiêm tại 12 tỉnh/TP trong 6 ngày từ 8/3 đến 13/3 như sau:

- Tỉnh Hải Dương: 6.287 người

- TP. Hà Nội: 163 người

- Tỉnh Hưng Yên: 840 người

- Tỉnh Bắc Ninh: 312 người

- Tỉnh Bắc Giang: 823 người

- TP. Hải Phòng: 205 người

- TP. Hồ Chí Minh: 774 người

- Tỉnh Gia Lai: 200 người

- Tỉnh Long An: 193 người

- TP. Đà Nẵng: 117 người

- Tỉnh Hòa Bình: 32 người

- Tỉnh Khánh Hòa: 95 người

Một số cơ sở y tế tạm ngừng trong 2 ngày nghỉ cuối tuần và tiếp tục triển khai vào đầu tuần tới khi quay trở lại làm việc.

Tỉnh Hải Dương đang ưu tiên triển khai tại 6 huyện gồm TP. Hải Dương, Cẩm Giàng, Chí Linh, Nam Sách, Kinh Môn và Nam Thành, các huyện còn lại sẽ triển khai từ ngày 17/3/2021.

Theo báo cáo nhanh từ các điểm tiêm chủng, trong ngày 13/3/2021 Chương trình tiêm chủng mở rộng không ghi nhận trường hợp nào phản ứng nặng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca.

Các địa phương yêu cầu người đi tiêm chủng thông báo đầy đủ tình trạng sức khỏe và tiền sử tiêm chủng cho cán bộ y tế như các bệnh nền, các bệnh cấp tính mắc và sử dụng thuốc trong thời gian gần đây, lưu ý các trường hợp có tiền sử dị ứng.

Các biểu hiện về sức khỏe được theo dõi chặt chẽ và báo cáo đầy đủ hàng ngày cho thấy công tác triển khai được thực hiện tốt, hệ thống giám sát phản ứng sau tiêm chủng hoạt động tích cực và vắc xin tiếp tục được triển khai an toàn.

Công tác tổ chức điểm tiêm đảm bảo an toàn tiêm chủng luôn được Chương trình tiêm chủng mở rộng đặt lên hàng đầu. Trước khi đưa vaccine vào triển khai, tất cả các điểm tiêm chủng được Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật kiểm tra, giám sát chặt chẽ và đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định.

Đặc biệt trong những ngày đầu mới triển khai, tất cả các điểm tiêm chủng đều có sự giám sát, hỗ trợ của Bộ Y tế và các Viện Vệ sinh Dịch tễ/Viện Pasteur. Trong quá trình triển khai, người đến tiêm chủng đều được khám sàng lọc trước tiêm chủng và yêu cầu khai báo về tình tạng sức khỏe, bệnh nền và các mũi tiêm chủng trong thời gian gần đây để cán bộ y tế đưa ra chỉ định phù hợp.

Đồng thời, người đến tiêm chủng được tư vấn đầy đủ về tác dụng và những sự cố bất lợi có thể xảy ra, những dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần thông báo cho cán bộ y tế. Trên thực tế, tất cả các dấu hiệu bất thường về sức khỏe sau tiêm đều được theo dõi và báo cáo.

Đã có 10.041 người được tiêm vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca - Ảnh 1.

Liên quan đến 12 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vaccine COVID-19, Bộ Y tế yêu cầu TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng, Gia Lai báo cáo nguyên nhân.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có công điện về việc đánh giá, kết luận nguyên nhân gây tai biến nặng sau tiêm chủng vaccine COVID-19.

Theo văn bản này, Bộ Y tế cho biết đã nhận được thông tin về một số trường hợp tai biến nặng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng và tỉnh Gia Lai.

Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai xác minh, thông tin, tổ chức họp Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến sau tiêm chủng để đánh giá, kết luận nguyên nhân các trường hợp tai biến nặng sau tiêm và triển khai các hoạt động theo quy định.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố triển khai công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 sáng 6/3, đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh không có vaccine nào là an toàn 100%, vaccine ngừa COVID-19 cũng vậy. Vì vậy tất cả các điểm tiêm phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống.

"Chắn chắn sẽ có những tai biến không mong muốn xảy ra nhưng không vì lý do đó làm ảnh hưởng đến chiến dịch tiêm vaccine. Trên toàn cầu cũng có người tham gia phong trào anti vaccine nhưng lợi ích của vaccine ngừa COVID-19 rất rõ ràng, bảo vệ chính cho bản thân và cộng đồng" - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng lưu ý: "Phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19 là có thể, vì không vaccine nào đảm bảo 100 % an toàn; có thể xảy ra phản ứng thông thường cho đến phản ứng bất lợi. Vì đây là vaccine mới nên chúng ta triển khai thận trọng. Dù vaccine đã về Việt Nam từ ngày 24/2, nhưng chúng ta chờ có giấy chứng nhận lô xuất xưởng từ nhà sản xuất; đồng thời chúng ta cũng đánh giá lại toàn diện tất cả chỉ số an toàn của lô vaccine này".

Trong lịch sử phát triển vaccine, vaccine phòng COVID-19 là vaccine phát triển nhanh nhất, ra đời nhanh nhất và đưa vào sử dụng nhanh nhất. Vì vậy, chưa đủ thời gian đánh giá đầy đủ hiệu quả của vaccine này.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19 là có thể, vì không vaccine nào an toàn 100% và có thể xảy ra phản ứng thông thường cho đến phản ứng bất lợi.

Tại hội nghị, các chuyên gia trong lĩnh vực tiêm chủng, hồi sức tích cực đã tập huấn và lưu ý các cơ sở tham gia tiêm chủng vaccine AstraZeneca trong đợt này. Theo đó, vaccine AstraZeneca chỉ có hạn sử dụng trong 6 tháng và được tiêm cho người từ 18 tuổi. Báo cáo của nhà sản xuất sẽ có khoảng 10% người tiêm sẽ có biểu hiện: đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt và phổ biến là sưng, đỏ tại vị trí tiêm.

Những người mắc COVID-19 sẽ được chỉ định tiêm sau 6 tháng vì đây là vaccine mới và triển khai tiêm trong thời gian ngắn nên Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị phải chuẩn bị sẵn sàng trong mọi tình huống có thể xảy ra.

Về công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đang tích cực chỉ đạo Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân trên tinh thần "hiệu quả, chặt chẽ, đảm bảo an toàn ở mức cao nhất" trong tất cả các khâu khám, sàng lọc trước khi tiêm.

Theo đó, sau khi tiêm, người được tiêm được theo dõi sức khỏe sau tiêm 30 phút tại chỗ và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng 1-2 ngày tiếp theo; khi có các dấu hiệu bất thường, đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Mỗi người tiêm sẽ được cấp một mã QR - theo mã số bảo hiểm y tế, sau đó liên thông với phần mềm hồ sơ sức khỏe để tiếp tục theo dõi và nhắc thời gian tiêm.

Tất cả những người tiêm sẽ được theo dõi sức khỏe liên tục và đánh giá tính sinh miễn dịch sau khi tiêm vaccine của AstraZeneca.

"Đây là quy trình được Bộ Y tế xây dựng, theo dõi chặt chẽ nhằm đảm bảo sức khỏe người dân trong bối cảnh dịch bệnh" - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước