Đẩy mạnh chuyển dịch lao động nông thôn

Văn Phồn (Ban Thời sự)-Thứ bảy, ngày 20/03/2021 21:26 GMT+7

VTV.vn - Đến năm 2025, số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ chỉ chiếm 1/4 tổng lao động trong xã hội. Để đạt được mục tiêu này, hướng nghiệp, đào tạo nghề cần đi trước 1 bước.

Đây là mục tiêu được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, để Việt Nam đến năm 2025 là nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Để đạt mục tiêu này, trong 5 năm tới chúng ta cần dịch chuyển tới 9% tổng số lao động ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp. Trong khi đó, hiện nay, số lượng lao động đã qua đào tạo nghề trên cả nước vẫn còn rất thấp mà để chuyển dịch lao động thì hướng nghiệp và đào tạo nghề cần đi trước một bước.

Học xong cấp 3, anh Huy được tuyển dụng và đào tạo kỹ năng hàn trước khi vào nhà máy. Vừa học vừa làm, anh đã nhanh chóng trở thành thợ sơ cấp. Nhờ học nghề mà mức lương của Huy giờ gần 10 triệu đồng/tháng, gấp 2 lần so với cả năm ở quê trồng lúa.

Đẩy mạnh chuyển dịch lao động nông thôn - Ảnh 1.

Sau 3 năm, các học viên từ vùng cao Tây Nghệ An đã trở thành những người thợ cơ khí trình độ cao đẳng với mức lương khởi điểm hơn 7 triệu/tháng, gấp 2-3 lần nếu còn ở nhà làm nương, đi rừng. Chưa ra trường, họ đã được doanh nghiệp tuyển dụng và trả lương vừa học vừa làm.

Hiệu quả khi một lao động từ nông thôn chuyển sang khu vực công nghiệp là vậy. Tuy nhiên, với 35,9 triệu lao động đang ở khu vực nông thôn, 5 năm qua, tốc độ dịch chuyển lao động nông thôn còn chậm. Dịch chuyển vẫn chỉ đơn giản là lao động nông thôn thành lao động phổ thông trong các nhà máy, chưa có sự kết nối nông nghiệp nông thôn và giáo dục nghề nghiệp.

Đẩy mạnh chuyển dịch lao động nông thôn - Ảnh 2.

Nghị quyết Đại hội XIII đã chỉ ra rằng, để thúc đẩy chuyển dịch lao động nông thôn phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đây cũng là định hướng để trong thời gian tới, các địa phương, các trường nghề và doanh nghiệp sẽ thực hiện đào tạo đa dạng, linh hoạt, nhiều cấp bậc để lao động nông thôn tăng kỹ năng, phát huy được năng lực để tiếp cận với công nghiệp, dịch vụ nhằm tăng năng suất lao động quốc gia và tăng thu nhập bình quân.

10 năm qua, đã có hơn 2,85 triệu lao động nông được học nghề trong đó hơn 80% người học có việc làm sau đào tạo.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn chính là xóa rào cản ngăn cách cơ hội việc làm - thu nhập, thích ứng với các xu hướng của thị trường lao động, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng và phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đồng thời tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đối với công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn để đẩy nhanh dịch chuyển.

Chuyển dịch lao động đặc biệt là những lao động trẻ ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp, sẽ góp phần quan trọng để giảm nghèo nhanh và bền vững, thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị, đồng thời góp phần tăng năng suất lao động chung của cả đất nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước