Sáng 16/6, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức hội thảo cập nhật nhận định diễn biến thiên tai năm 2022.
Phát biểu tại hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Trần Hồng Thái cho biết, ngành Khí tượng Thủy văn đã cung cấp kịp thời, sát thực tế các bản tin dự báo, cảnh báo cho các bộ, ngành, địa phương. Ngành Khí tượng Thủy văn tiếp tục khắc phục những khó khăn, hoàn thiện các hoạt động về nghiệp vụ để phục vụ tốt hơn công tác phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội.
Khoảng 4 - 6 cơn bão có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta
Phó Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, từ nay đến hết năm 2022, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng từ 4 - 6 cơn và ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (trung bình nhiều năm một năm khoảng từ 12 - 14 cơn, ảnh hưởng trực tiếp khoảng từ 5 - 7 cơn); đề phòng xảy ra bão có hướng di chuyển phức tạp, dồn dập trong các tháng cuối năm 2022.
Trong các tháng mùa mưa (từ tháng 7 - 9), lượng mưa tại Bắc Bộ có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm. Trái lại, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ tháng 7 - 9/2022, lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Từ khoảng tháng 10 - 11, khu vực ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên dự báo lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra mưa lớn dồn dập và cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.
Nhiệt độ trung bình tại Bắc Bộ tháng 7 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Tháng 8 - 9 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5oC. Từ tháng 10 - 12 phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5oC.
Nhiệt độ trung bình tháng 7 tại khu vực Trung Bộ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm; tháng 8 - 9 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5oC. Từ tháng 10 - 12 phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5oC.
Đề phòng trong tháng 7 có thể xuất hiện giá trị cực đoan liên quan đến nhiệt độ ở khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ. Dự báo xác suất 70 - 80% khả năng xuất hiện nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày trên 37oC. Nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng không gay gắt, không kéo dài như năm 2021.
Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, trong thời gian tới, nắng nóng, mưa cục bộ có khả năng ngày càng cực đoan hơn. Nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng không gay gắt, không kéo dài như năm 2021. Không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm và nền nhiệt các tháng đầu mùa Đông ở các tỉnh miền Bắc có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, từ tháng 7 - 9, nhiệt độ phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5oC. Tháng 10 - 12, nhiệt độ phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm.
Mùa mưa lũ tại Bắc Bộ xuất hiện sớm
Đề cập đến tình hình mưa lũ, Phó Giám đốc Hoàng Phúc Lâm cho rằng, mùa mưa lũ năm 2022 tại Bắc Bộ xuất hiện sớm hơn năm 2021, mực nước đỉnh lũ trên các sông suối thuộc lưu vực sông khu vực sông Hồng phổ biến ở mức báo động 1 - báo động 2, cao hơn năm 2021. Đỉnh lũ năm đến các hồ chứa trên lưu vực sông Đà, sông Gâm và sông Chảy phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, cao hơn năm 2021. Đỉnh lũ năm trên các lưu vực sông có khả năng xuất hiện đúng thời kỳ trung bình nhiều năm vào cuối tháng 7 đến giữa tháng 8.
Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, trong tháng 7, 8, ở thượng nguồn các sông khu vực Bắc Trung Bộ, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên xuất hiện 1 - 2 đợt lũ, đỉnh lũ trên một số sông suối có khả năng lên trên báo động 2; mực nước các sông khác ở Trung Bộ có dao động. Từ tháng 9 đến tháng 12, trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 2 - 3 đợt lũ lớn.
Tại Km3+150, tuyến đường Nậm Khao - Tà Tổng - Mường Nhé (Điện Biên), thuộc địa phận Xã Nậm Khao, huyện Mường Tè (Lai Châu) xảy ra sạt lở ta-luy dương, gây ách tắc giao thông cục bộ ngày 30/05/2022. Ảnh: TTXVN.
Khu vực Nam Bộ, từ tháng 7 đến tháng 11, là thời kỳ mùa lũ trên sông Mê Kông và đầu nguồn sông Cửu Long. Đỉnh lũ năm 2022, tại đầu nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 1 và trên báo động 1, đỉnh lũ năm khả năng xuất hiện vào nửa cuối tháng 10, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm từ 0,2 - 0,4m.
Tháng 12/2022, mực nước trên sông Mê Kông và đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm theo xu thế xuống dần.
Trong tháng 10 đến tháng 12, tại khu vực Nam Bộ sẽ xuất hiện 6 đợt triều cường: Đợt 1 từ ngày 8 - 11/10, đợt 2 từ ngày 26 - 31/10, đợt 3 từ ngày 6 - 12/11, đợt 4 từ ngày 23 - 29/11, đợt 5 từ ngày 7 - 11/12 và đợt 6 từ ngày 21 - 29/12. Riêng 3 đợt triều cường vào những ngày cuối tháng 10, 11 và 12 (đợt 2, 4 và 6) độ cao mực nước tại trạm hải văn Vũng Tàu vượt ngưỡng 4m, nguy cơ ngập lụt cao tại những khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông nếu thời gian triều cường trùng với kỳ gió chướng có cường độ mạnh.
Tại ven biển Tây Nam Bộ, khoảng tháng 8 - 10, cần đề phòng mực nước biển dâng cao bất thường gây sạt lở đê biển trong thời gian xuất hiện triều cường kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh (xác suất 70%).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!