Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với tổng diện tích tự nhiên hơn 54.600km2. Giai đoạn 2005 đến 2017, các tỉnh Tây Nguyên có gần 59.000 hộ di dân tự do với khoảng 220.000 nhân khẩu. Đầu năm 2020, tình trạng này lại có dấu hiệu tăng do kinh tế khó khăn.
Song song với di dân tự do là tình trạng du canh du cư của người đồng bào dân tộc thiểu số gốc bản địa. Nhiều khu dân cư tự phát đã được hình thành, gây nên nhiều hệ lụy tới môi trường, an sinh xã hội, hay gia tăng đói nghèo.
Những ngôi làng 4 không
Những ngôi nhà tạm bợ trong rừng sâu.
Người già, trẻ con chen nhau trong những căn chòi tạm bợ, không điện, đường, trường, trạm chỉ có đường lầy lội và rừng. Tình trạng di cư tự do, du canh du cư tạm lắng nay đã có dấu hiệu trở lại.
Anh K' Lót - xã Ia Hder, huyện Krông Pa, Gia Lai ở trong căn chòi nhỏ chưa được 10m2 đầu làng. Tiếng là làng nhưng các hộ dân này sống rải rác trong những căn chòi nhỏ theo từng cụm anh em, họ hàng, dòng tộc.
Người làng cho biết, năm 2009, công trình Thủy điện Sông Ba Hạ hoàn thành, đất nông nghiệp bị ngập. Tuy đã được đền bù nhưng không còn đất sản xuất nên dân làng ra đi, vào trong rừng sâu. Ban đầu chỉ vài hộ giờ đã lên đến hàng trăm trong đó có cả những hộ từ tỉnh Phú Yên, Đắk Lắk nhập vào.
Anh k'Sor Yơi - Công an viên xã xã Ia Hder, huyện Krông Pa, Gia Lai cho biết, thống kê có khoảng 150 hộ, khu sinh sống không có điện, đường, trường trạm, trừ đường lầy lội vào trong rừng sâu.
Đã hơn 3 tháng nay, đoàn liên ngành huyện Krông Pa trú tại một căn nhà gỗ để vận động người dân trở về nhưng xem ra khó mà thực hiện được khi cây trồng, vật nuôi của người dân đã cho thu hoạch.
Theo chính quyền tại các tỉnh Tây Nguyên, tình trạng du canh du cư, di dân tự do từ các tỉnh phía Bắc vào Tây Nguyên lập nghiệp đã hạn chế trong những năm qua nhưng từ đầu năm 2020 đến nay đã biến động trở lại.
Lỏng lẻo công tác quản lý nhân hộ khẩu ở cấp cơ sở
Những nhà đùm, nhà rẫy nằm sâu trong chân núi.
Để quản lý chặt chẽ, theo những người làm công tác dân vận lâu năm, cần phải kiểm soát chặt nhân hộ khẩu từ gốc, sớm phát hiện tình trạng này để tuyên truyền vận động người dân về nơi ở cũ. Nếu không kiểm soát chặt, từ một vài hộ sẽ kéo theo nhóm hộ và từ đó, chẳng mấy chốc làng bản sẽ được hình thành.
Xã Krong, huyện Ka Bang tỉnh Gia lai với hơn 85% đồng bào dân tộc Ba Na sinh sống. Theo báo cáo từ chính quyền xã, những năm qua đời sống của bà con đã được nâng lên một bước tình trạng du canh du cư đã không còn nữa xã đang phấn đấu thêm 1-2 tiêu chí để trở thành xã nông thôn mới.
Báo cáo là vậy nhưng khu tái định cư của hai làng Tun và Làng Gút chỉ cách UBND xã chưa đầy 4km một nửa số hộ tại khu định cư này đã trở lại rừng từ những tháng đầu năm 2020.
Chỉ sau 3 năm, những ngôi nhà 24m2 đã bị khóa trái cửa. Người làng trở về nơi ở cũ chấp nhận ở những căn nhà tranh, tre, nứa, lá.
Những nhà đùm, nhà rẫy nằm sâu trong chân núi. Người làng ăn ngủ tại chỗ, những đứa trẻ học hành hôm có hôm không vì đường xa cách trở và còn vì phụ giúp gia đình.
Ăn ngủ tại nhà rẫy với điều kiện khó khăn thiếu thốn, khiến nguy cơ các bệnh như sốt xuất huyết, sốt rét… luôn thường trực. Thời gian gần đây, bệnh bạch hầu, một trong những căn bệnh đã từ lâu không xuất hiện nay đã trở lại, với tốc độ lây lan đáng lo ngại.
Theo báo cáo mới nhất, dịch bạch hầu đã xuất hiện thêm tại 2 tỉnh Bình Phước và Quảng Trị. Ngoài Lâm Đồng, 4 trên 5 tỉnh còn lại ở Tây Nguyên đã có 123 ca mắc dịch bạch hầu. Đáng lưu ý, các bệnh nhân người đồng bào dân tộc ở vùng sâu vùng xa chiếm tới 99% và độ tuổi trên 7 tuổi chiếm trên 90%. Có trường hợp người lớn tuổi vẫn mắc bệnh bạch hầu.
Du canh du cư và nỗi lo dịch bệnh
Lối sống du canh du cư ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Theo chuyên gia y tế, một trong những nguyên nhân chính gây nên bệnh bạch hầu là điều kiện sống không đảm bảo, sức đề kháng kém dẫn đến mầm bệnh có khả năng trỗi dậy.
Tây Nguyên hiện nay đã bước vào mùa mưa. Lúc này, có tận mắt chứng kiến điều kiện sống của người dân du canh du cư, sự khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân mới thấy dịch bệnh có nguy cơ lan truyền là điều khó tránh.
Tại khu nhà đùm, nhà rẫy của người làng Tun, Làng Gút bỏ khu định cư về đây sinh sống, gần 100 lều rẫy nằm rải rác sâu trong rừng rậm. Trên ở, dưới nuôi gia súc gia cầm. Rác thải, nước sinh hoạt đen ngòm tràn cả ra mặt đường. Hàng chục đứa trẻ thấy người lạ đứng lấp ló sau cánh cửa. Người làng cho biết cũng đã lâu lắm rồi cán bộ y tế chưa vào thăm.
Đường xá xa xôi, nhất là vào mùa mưa, nhà đùm, nhà rẫy gần như biệt lập với bên ngoài. Đau ốm có cây rừng, lá dại. Thiếu y tế thôn bản nên lũ làng cứ vậy sống tự nhiên như cây rừng, sinh con đẻ cái mặc cho dịch bệnh rình rập.
Trước diễn biến của dịch bạch hầu, hiện nay, ngành y tế tại các tỉnh Tây Nguyên đang tiếp tục triển khai công tác dập dịch. Dự kiến trong tháng 9, đầu tháng 10 tới sẽ triển khai đồng loạt chiến dịch tiêm phòng căn bệnh này.
Tuy nhiên, qua những câu chuyện thực tế trên, có thể thấy cần phải có những thay đổi trong công tác quản lý di dân, di cư ở khu vực Tây Nguyên, đồng thời tăng cường hướng dẫn tạo công ăn việc làm, để bảo đảm cuộc sống và các vấn đề an sinh xã hội cho người dân tại khu vực này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!