Du học sinh thời COVID-19: Lửa thử vàng, gian nan thử sức

Đông Khánh, Trần Bình, Quách Hằng, Thiên Lý, Nguyễn Mai-Thứ tư, ngày 13/01/2021 12:13 GMT+7

VTV.vn - COVID-19 gây xáo trộn cuộc sống và việc học của các du học sinh. Tuy nhiên, họ cũng có những trải nghiệm và thay đổi tích cực trong giai đoạn dịch bệnh này.

Học tập ở nước ngoài hay du học đang trở nên ngày càng phổ biến ở Việt Nam khi các gia đình có điều kiện kinh tế hơn. Có những trải nghiệm quý báu khi sống một mình ở nước ngoài, có môi trường ngôn ngữ để thực hành, có cơ hội làm việc trong môi trường quốc tế… là những lý do khiến cho nhiều học sinh lựa chọn đi du học và các phụ huynh quyết định đầu tư tiền bạc, chấp nhận để con cái xa gia đình vì tương lai của con.

Kỳ vọng là như thế, nhưng năm qua, đại dịch COVID-19 đã làm cho việc sinh sống và học tập ở nước ngoài trở thành một thách thức đầy khó khăn đối với các du học sinh.

Những du học sinh ấy đã phải tìm mọi cách xoay xở để vừa tự bảo vệ mình giữa tâm dịch, vừa dành thời gian để tiếp tục duy trì việc học tập.

Du học sinh Việt Nam giữa tâm dịch COVID-19

Những ngày đầu năm mới ở Thủ đô Paris, nước Pháp có phần ảm đạm. Mặc dù đã áp đặt biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, đây vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu.

6 năm xa quê đi học thạc sĩ Vật lý Y khoa tại Đại học Montpellier, đây cũng là giai đoạn khốn khó nhất mà Bùi Trung Kiên phải trải qua. Là sinh viên năm cuối, thay vì thực tập trong phòng lab, Kiên lại phải ở yên trong nhà, học online và nghiên cứu qua máy tính. Bên cạnh đó, ở yên trong nhà, cũng là cách để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, bởi từ lúc dịch bùng phát đến nay, các nhà hàng, khách sạn Kiên làm thêm đều đã đóng cửa.

Thiên Huân sang Mỹ học đạo diễn sân khấu từ tháng 7/2019. Nửa năm sau thì dịch bùng phát. Ở yên trong nhà, nhìn số ca lây nhiễm và tử vong ở quốc gia sở tại không ngừng tăng vọt khiến Huân không khỏi sốc và hoang mang. COVID-19 không chỉ gây xáo trộn cuộc sống, nó còn khiến các du học sinh Việt Nam rơi vào cảnh bị kỳ thị. Sự kỳ thị ấy lớn đến mức khiến Huân không dám đeo khẩu trang mỗi khi lên phương tiện công cộng và khi ở trên trường.

Du học sinh thời COVID-19: Lửa thử vàng, gian nan thử sức - Ảnh 1.

Nhiều sinh viên châu Á không dám đeo khẩu trang vì sợ bị kỳ thị. Ảnh: China Daily

Học đạo diễn sân khấu online với Huân đó là một cơn ác mộng bởi mọi cảm xúc, tương tác của diễn viên đều phải thông qua màn hình máy tính. Thời gian học vì thế cũng kéo ra ra hơn 1 năm so với dự kiến. Tuy nhiên, giữa làn sóng du học sinh trở về, Huân lại chọn ở lại, biến những khó khăn thành trải nghiệm mới như mỗi ngày học nấu một món ăn mới, trông thật nhiều cây xanh, học thêm 1 loại nhạc cụ mới và trò chuyện nhiều hơn với gia đình.

Nụ cười luôn nở trên môi khi khoảng cách địa lý xa xôi, giờ rút ngắn lại chỉ qua chiếc màn hình máy tính. Đó cũng là động lực để các bạn du học sinh lạc quan vượt qua những khó khăn mà dịch bệnh đem tới, để tiếp tục nuôi dưỡng nhiệt huyết và niềm đam mê của mình.

Chuyển hướng học tập khi trở về nước

May mắn hơn các bạn vẫn đang ở lại các nước đang là tâm dịch COVID-19, nhiều du học đã được trở về nhà với gia đình. Mặc dù chưa biết khi nào được quay trở lại trường nhưng không vì thế mà việc học bị gác lại. Do lệch múi giờ, việc học online và những kỳ thi thường diễn ra từ giữa đêm đến sáng. Giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn. Việc học tập trở nên vất vả hơn rất nhiều.

Dẫu phải theo lịch học thay đổi múi giờ, dù được gia đình gợi ý bảo lưu kết quả, nhưng nhiều bạn du học sinh vẫn quyết định học theo đúng chương trình. Không những thế, có bạn còn xin vào làm tại các công ty liên quan đến chuyên ngành để có thêm kinh nghiệm.

Tuy việc học online tại nhà có nhiều khó khăn hơn việc học tại trường. Nhưng với nhiều bạn, việc về nước cũng là cơ hội tốt để trải nghiệm và định hướng lại cho bản thân.

Phụ huynh cùng du học sinh vượt qua trở ngại mùa dịch

Đã có nhiều du học sinh thay đổi kế hoạch học tập sau khi trải qua 1 năm với dịch COVID-19. Nhiều bạn chuyển hướng học trong nước, nhiều bạn chọn hướng đi làm để có thêm trải nghiệm, từ đó biết được mình cần học gì. Đại dịch nguy hiểm mang đến những thử thách nhưng cũng là cơ hội để chúng ta có thời gian lùi lại, bình tĩnh nhìn lại con đường đi của mình. Và các du học sinh cũng thế.

Con gái dù đã đậu vào trường đại học tại Đức nhưng chị Hoa vẫn tìm hướng đi khác cho con bằng cách xét tuyển thêm vào trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh.

Vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, dù trường đại học ở Đức đã khai giảng nhưng suốt 1 năm qua, con gái của chị vẫn đang ở Việt Nam và chỉ được học online.

Hoang mang, lo lắng cũng là tâm trạng ban đầu của chị Hương khi con gái vừa về nước. Việc học của con sẽ như thế nào, trì hoãn bao lâu? Rất nhiều trăn trở của người mẹ dần được giải quyết khi nhà trường đưa ra các kế hoạch cụ thể. Song song với việc online, con gái chị cũng tranh thủ thời gian nghỉ hè vừa qua đi thực tập tại một đơn vị cùng ngành học để tích lũy kinh nghiệm,

Theo các trung tâm tư vấn du học, học sinh Việt Nam trúng tuyển vào các trường trên thế giới trong năm qua gần như không thể nhập học tại các trường. Điều này đồng nghĩa dù nhu cầu cho con du học vẫn có nhưng các gia đình đã thay đổi kế hoạch chuẩn bị.

Cũng chính vì vậy, nhu cầu tìm đến các công ty tư vấn du học tại Việt Nam đã giảm khoảng 2/3 so với trước mùa dịch. Khi nào các trường chưa được mở cửa trở lại. nỗi niềm của những phụ huynh học sinh vẫn chưa được giải tỏa.

Các quốc gia chào đón sinh viên quốc tế như thế nào?

Đến nay, do tình hình dịch bệnh ở mỗi nước khác nhau, thậm chí trong một nước, tình hình mỗi vùng cũng khác nhau nên không có một giải pháp chung cho các du học sinh. Sau đây là những thông tin về kế hoạch chào đón sinh viên quốc tế của một số nước có đông du học sinh Việt Nam.

Ngày 30/11/2020, Australia đã đón nhóm sinh viên quốc tế đầu tiên kể từ khi nước này quyết định đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

Đại học Charles Darwin (CDU) đã thuê nguyên chuyến bay để chở 63 sinh viên quốc tế đến thành phố Darwin. Đây là một phần trong chương trình thí điểm nhằm khởi động lại ngành giáo dục đại học của nước này - vốn đang gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19.

Các sinh viên quốc tế đi trên chuyến bay này chủ yếu đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia. Các sinh viên này phải sang Singapore để lên chuyến bay này. Sau khi tới Australia, các sinh viên được cách ly tại cơ sở của chính phủ trong vòng 14 ngày.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Viện Mitchell thuộc Đại học Victoria (Australia), số lượng sinh viên quốc tế đến nước này dự kiến sẽ giảm 50% xuống chỉ còn 300.000 người vào giữa năm 2021, nếu nước này vẫn duy trì lệnh đóng cửa biên giới quốc gia nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19.

Tương tự, Chính phủ New Zealand cho phép 250 sinh viên cao học quốc tế tới học ở nước này theo một chương trình miễn trừ đặc biệt trong bối cảnh New Zealand vẫn đang đóng cửa biên giới đối với hầu hết du khách nước ngoài nhằm ngăn đại dịch COVID-19. Các sinh viên phải trải qua 2 tuần cách ly bắt buộc tại một cơ sở do chính phủ quản lý kể từ tháng 11/2020.

Ông Steve Maharey, Chủ tịch Cơ quan Giáo dục New Zealand, cho biết chương trình miễn trừ đặc biệt trên không giới hạn đối với bất kỳ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào miễn là tất cả sinh viên đã được cấp thị thực trong năm 2020 để theo học chương trình đào tạo tiến sĩ hoặc thạc sĩ ở New Zealand.

Các trường đại học hoan nghênh quyết định của chính phủ, song cho rằng 250 là một con số còn rất nhỏ so với 70.000 sinh viên nước ngoài đang theo học ở New Zealand.

Lượng sinh viên quốc tế học tại các trường của Mỹ đã giảm tới 43% trong kỳ mùa Thu năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và các quy định liên quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Số liệu thống kê này đã bao gồm cả sinh viên quốc tế học trực tuyến ở trong và ngoài nước Mỹ.

Đầu năm 2020, Lãnh sự quán Mỹ ở khắp nơi trên thế giới đã tạm ngừng cấp thị thực vào thời điểm bùng phát dịch hồi mùa Xuân cho nên sinh viên cũng không thể đặt hẹn phỏng vấn xin thị thực vào Mỹ. Như vậy, các em không thể đáp ứng yêu cầu phải có mặt ở nước Mỹ để học trực tiếp được.

Ngay sau khi quy định này được đưa ra, Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã kiện ra tòa án liên bang khiến chính quyền của ông Trump phải hủy bỏ quy định mới đó.

Đến cuối tháng 7/2020, chính quyền Mỹ cập nhật lại hướng dẫn và cho phép các sinh viên quốc tế có môn học trực tiếp tại Mỹ được phép vào Mỹ hoặc nếu đang ở Mỹ được phép tiếp tục ở lại.

Còn với Anh quốc, chính phủ nước này đã kêu gọi sinh viên quốc tế đăng ký cho khóa học mùa thu dự kiến bắt đầu nhập học từ tháng 9/2021.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước