Để có sự thay đổi này, từ 4 năm qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (gọi tắt là Chương trình ETEP).
Tại một trường học ở Thái Nguyên, tiết học khám phá thiên nhiên của lớp 1E không còn trong 4 bức tường. Các con thoải mái sáng tạo, sưu tầm những bức ảnh cho chủ đề về động vật, vẽ những bức tranh minh họa hoặc tự tay làm những con vật từ cây cỏ.
Năm học qua, các học sinh của cô giáo Nguyễn Thị Sen đã được tham gia những tiết học đổi mới này. Cô Sen đã mạnh dạn thực hiện những tiết học đổi mới, sau khi được tập huấn từ chương trình ETEP.
ETEP là chương trình nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông. 7 trường ĐH sư phạm và Học viện Quản lý giáo dục sẽ bồi dưỡng giáo viên. Mỗi trường có ít nhất 1 giáo viên cốt cán được đi tập huấn theo phương thức vừa trực tuyến vừa trực tiếp. Giáo viên cốt cán sau đó sẽ về địa phương, hỗ trợ, hướng dẫn các đồng nghiệp của mình tự bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS).
Mỗi giáo viên được cung cấp một tài khoản online để truy cập và nguồn tài liệu mở để bất cứ lúc nào cũng có thể nghiên cứu, học hỏi. Kết thúc mỗi module bồi dưỡng đều có kiểm tra kỹ lưỡng, hiển thị điểm số công khai. Cách bồi dưỡng này đã phá vỡ những thách thức về thời gian, điều kiện đi lại của các giáo viên.
Đặc biệt nữa, chương trình ETEP tạo ra một mạng lưới kết nối giữa các trường sư phạm và các trường phổ thông, giữa giảng viên sư phạm và các giáo viên phổ thông trên toàn quốc. Nhiều cộng đồng học tập trong đội ngũ nhà giáo được hình thành và phát triển, chia sẻ cho nhau nhiều hơn về phương pháp, về cách tổ chức bài dạy hiệu quả nhất.
Từ chương trình ETEP, một thế hệ nhà giáo không ngừng học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau được hình thành. Họ đã không còn ngại khó, ngại khổ trong đổi mới. Tất cả, vì những giờ học hạnh phúc của học sinh.
Những giờ học tích cực từ sự thay đổi của giáo viên
Với những niềm vui, niềm hạnh phúc của các học sinh lớp 1, không khí sôi nổi hào hứng, mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui. Năm học tới, lớp 2, lớp 6 sẽ là những lớp học tiếp theo thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới. Các giáo viên cấp 2 cũng đã tham gia chương trình ETEP và đang nỗ lực cho những giờ học đổi mới của mình.
Trước giờ vào lớp. Cô giáo Trần Thị Thơm Trường THCS Nha Trang, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên tự tay mình chuẩn bị tất cả các mô hình này cho môn Sinh học.
Học về bộ gặm nhấm nhưng để các em nhớ kiến thức tốt hơn, vận dụng được vào cuộc sống, cô giáo cho các em thực hiện luôn một hoạt động STEM là chế tạo bẫy chuột.
Cùng một nội dung, nhưng thay đổi về cách dạy, cách học, làm cho học sinh hứng thú hơn, bộc lộ, phát huy được thế mạnh của bản thân. Các giáo viên có đầy đủ những công cụ hỗ trợ từ chương trình ETEP, được bồi dưỡng sử dụng phương pháp giảng dạy, giáo dục phát triển năng lực học sinh.
Giáo dục đang bước vào một thời kỳ đổi mới mạnh mẽ. Sự đổi mới ấy bắt đầu từ những người thầy. Đổi mới trong tư duy, đổi mới trong nhận thức, đổi mới từng giờ học để tạo nên một thế hệ học sinh mới hạnh phúc và thành công.
Tiếp tục bồi dưỡng giáo viên lớp 2, lớp 6
Hiện nay, thông qua dự án ETEP, đã bồi dưỡng xong 4/9 module cho các cán bộ, giáo viên cốt cán. Kiểm tra tình hình triển khai chương trình, sách giáo khoa lớp 1 mới ở tỉnh Thanh Hóa, đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ tiếp tục tập trung vào công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên.
Các giáo viên đã được tập huấn các module trong chương trình thì sẽ tiếp tục được bồi dưỡng tại cơ sở giáo dục thông qua các hoạt động sinh hoạt chuyên môn liên trường và trong tổ, nhóm chuyên môn mỗi trường. Các giáo viên đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tập huấn, đồng thời có biện pháp giám sát về chất lượng tập huấn khi một vài nơi vẫn còn tình trạng giáo viên học đối phó, thậm chí cá biệt có trường hợp giáo viên nhờ con làm bài kiểm tra sau tập huấn.
Từ nay đến tháng 9 tới, song song với việc tập huấn qua phần mềm ETEP, các giáo viên sẽ được tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 mới. Một bên sẽ thay đổi tư duy, kích thích sự sáng tạo của mỗi giáo viên, một bên là sử dụng sách giáo khoa như một công cụ hữu hiệu để truyền đạt kiến thức cho học sinh. Hi vọng với những sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sự thay đổi lần này sẽ tạo nên hiệu ứng tích cực cho cả học sinh và phụ huynh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!