Hàng ngàn ha rừng thông "bốc hơi" khi vào tay đơn vị… bảo vệ rừng, trồng rừng

Minh Quang-Thứ tư, ngày 26/08/2020 14:31 GMT+7

VTV.vn - Chặt cây rừng chôn xuống đất là hành vi mới thật sự táo tợn và manh động của các đối tượng được giao nuôi rừng, giữ rừng lại đi phá rừng. Hàng ngàn ha rừng đã mất trắng.

Hàng ngàn cây thông cổ thụ bị cưa hạ

Tình trạng phá rừng đã xảy ra nhiều năm nay, gây ra những hệ lụy rất lớn đến môi trường. Tuy nhiên, những hành vi đáng lên án này vẫn chưa dừng lại mà còn xuất hiện thêm các thủ đoạn tinh vi mới để trục lợi từ rừng.

Lâm Đồng, một trong những tỉnh Tây Nguyên còn diện tích rừng thông lớn nhất nhưng hàng trăm cây thông đã bị cưa hạ hàng loạt, cùng với đó thủ đoạn phá rừng mới nhất, hết sức tinh vi và tàn độc mà nhóm phóng viên được sự hỗ trợ của người dân ghi lại được. Điều đáng nói là diện tích rừng bị phá thuộc quản lý của những doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư khoanh nuôi bảo vệ và trồng rừng.

Hàng ngàn ha rừng thông bốc hơi khi vào tay đơn vị… bảo vệ rừng, trồng rừng - Ảnh 1.

Diện tích rừng và đất rừng tại xã Lộc Phú huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng được UBND tỉnh giao cho một trong 52 doanh nghiệp trồng và phát triển rừng trong những dự án nông lâm kết hợp. Nhưng thực tế, hiện nay hàng trăm cây rừng bị cưa hạ không thương tiếc.

Những người dân ở đây cho biết tình trạng phá rừng tiếp tục nóng trong năm 2020 đây là một trong số vụ phá rừng diễn ra trong tháng 6 lực lượng chức năng đã lập hồ sơ nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm để xử lý. Phá rừng, lấn chiếm đất rừng để trồng cây nông nghiệp đang có diễn biến phức tạp tại khu vực này, trong đó có 52/328 doanh nghiệp được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép đầu tư.

Những hố chôn tập thể thông cổ thụ

Thủ đoạn làm cho thông cổ thụ chết bằng cách ken cây, khoan đổ thuốc độc, hoặc chặt rễ để cây chết dần, giờ đã cũ. Sau nhiều ngày tiếp cận thông tin, nhóm phóng viên của Chuyển động 24h đã tận mắt chứng kiến hàng trăm cây thông cổ thụ bị chôn lấp sau khi đã cưa hạ để xóa dấu vết, tang vật. Sự việc táo tợn chưa từng có này đã được người dân phát hiện nhờ những cơn mưa.

Theo chân những người nông dân đi sâu vào khu vực rừng thông thuộc tiểu khu 443 lâm phần được giao cho một doanh nghiệp phát triển rừng. Phía sườn núi một diện tích khoảng hơn 3ha đúng ra phải được trồng rừng nhưng đó lại là cà phê vừa được trồng mới. Phía cuối vườn mặt đất lộ ra những hố nhỏ nhưng nhìn thật kỹ bên dưới lại là… những thân cây thông.

Hàng ngàn ha rừng thông bốc hơi khi vào tay đơn vị… bảo vệ rừng, trồng rừng - Ảnh 2.

Khi miệng hố và lớp đất phía trên được cào rộng ra, những cây thông lộ ra nằm xếp lớp bên dưới. Thân cây thông ngấm nước, mất gần cả buổi sáng hơn 10 người chỉ lôi lên miệng hố hơn 5 cây. Sau khi đã báo với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, sợ đơn vị nhận đất rừng ngăn cản, nhóm phóng viên và người dân quyết định nhờ sự hỗ trợ của xe cơ giới. Thật ngạc nhiên khi chiếc gàu múc đến đâu, những khúc gỗ thông dài trên 4m đường kính từ 30- 45cm nằm xếp lớp được lôi lên khỏi miệng hố. Việc khai quật bị tạm dừng khi hai người một nam một nữ xuất hiện với hung khí trên tay tự nhận mình là chủ vườn cà phê.

20 phút sau, 2 người đàn ông khác xuất hiện cũng tự nhận mình là chủ đất và lại lăm lăm mã tấu trên tay. Sau khi đe dọa nhóm phóng viên không được, họ đã gọi điện cho một tay giang hồ có tiếng tại hai huyện Bảo Lâm và Di Linh vừa mới ra tù.

Mãi đến ngày hôm sau, cơ quan chức năng mới tiếp nhận hiện trường và việc khai quật mới được tiếp tục. Không chỉ một hố mà trên mảnh đất rộng khoảng hơn 3ha này còn nhiều hố khác.

Theo những người dân, việc cưa hạ thông hàng loạt không nhằm mục đích lấy gỗ mà để sử dụng phần đất này vào mục đích khác.

Những hợp đồng sang nhượng đất kỳ lạ

Xét về góc độ kinh tế, nếu như trừ chi phí vận chuyển từ rừng ra, gỗ thông không mang lại nhiều lợi nhuận. Vì vậy mới có chuyện cây thông bị cưa hạ hàng loạt rồi bỏ đó hoặc chôn xuống đất cho mục rỗng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là các đối tượng này làm như vậy để làm gì?

Câu trả lời phần nào được hé lộ khi nhóm phóng viên tiếp xúc với người dân tại đây và được họ kể về khái niệm "đất sạch" (đất đã cưa hạ hết cây thông) là những lô đất được sang nhượng để trồng cây cà phê, với mức giá vài trăm triệu đồng/ha.

Thủ tục mua bán giữa đôi bên được ký bằng những hợp đồng ủy quyền hay hợp tác đầu tư và rất nhiều người mua đất của các công ty theo hình thức này. Người ít thì 1ha, nhiều thì 5-7 đến vài chục ha. Thủ tục được ký có dấu mộc đỏ nhưng khó hiểu là mộc đỏ và chữ ký xác nhận lại là của chính quyền xã Tân Lâm, huyện Di Linh, một huyện giáp ranh với huyện Bảo Lâm, không liên quan gì đến việc quản lý đất đai tại nơi mà những người này canh tác.

Buông lỏng quản lý và bất lực trong công tác quản lý bảo vệ rừng

Hàng ngàn ha rừng thông bốc hơi khi vào tay đơn vị… bảo vệ rừng, trồng rừng - Ảnh 3.

Hiện nay, toàn tỉnh Lâm Đồng còn 328 doanh nghiệp có giấy phép hoạt động trên lĩnh vực này. Nhưng qua kiểm tra, đã có trên 1.700 ha rừng bị mất. Một số doanh nghiệp tiếp tục bị đưa vào danh sách thu hồi dự án, đồng thời truy thu số tiền phạt vi phạm trên 200 tỷ đồng, nhưng sau nhiều năm, đến nay chỉ mới thu hồi chưa tới 10% số tiền trên. Câu chuyện trên và con số này đặt ra những vấn đề lớn về công tác bảo vệ rừng tại đây.

Chuyện những hố chôn tập thể thông cổ thụ, chuyện người dân phản ảnh doanh nghiệp để mất rừng và ai là người phải chịu trách nhiệm nhanh chóng được cơ quan chức năng khẳng định. Trách nhiệm đầu tiên là thuộc doanh nghiệp, sau đó là đến địa phương trực tiếp là xã, ban lâm nghiệp xã, kiểm lâm cơ sở, đặc biệt là kiểm lâm địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết số vụ phá rừng có giảm trong những năm gần đây nhưng tỷ lệ số vụ phá rừng lấy đất sản xuất thì không giảm. Với diện tích rừng bị mất tương đối nhiều, trước tiên là trách nhiệm của chủ rừng.

Hiện nay, trong 328 doanh nghiệp mới chỉ 100 doanh nghiệp thành lập lực lượng quản lý bảo vệ rừng. Các doanh nghiệp được cấp phép đầu tư hàng chục năm lại để ra tình trạng mất hàng ngàn ha rừng phải chăng đã có lỗ hổng ngay từ khi cấp phép?

Theo đại diện Sở NN&PTNT tỉnh, để xảy ra vi phạm, ngoài phạt hành chính các đơn vị chủ rừng, đã có hàng chục cán bộ, nhân viên quản lý bảo vệ rừng từ cấp cơ sở phải nhận các hình thức kỷ luật.

Tuy nhiên, các nhân viên cho biết mỗi người phải nhận quản lý bảo vệ hàng ngàn ha rừng đó là chưa kể rừng và đất rừng đã giao cho các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp bất hợp tác trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Việc phải đối phó với lâm tặc, những đối tượng có tiền án, tiền sự do các doanh nghiệp thuê diễn ra hàng ngày là những áp lực mà họ phải trải qua. Nhìn nhiều đồng nghiệp đã phải mất việc, thậm chí đổ máu vì giữ rừng, họ ví như "quýt làm mà cam phải chịu".

'Đầu độc' 10 ha rừng thông để chiếm đất, 7 'lâm tặc' lãnh án tù "Đầu độc" 10 ha rừng thông để chiếm đất, 7 "lâm tặc" lãnh án tù

VTV.vn - Ngày 29/6, TAND tỉnh Lâm Đồng đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án đầu độc 10ha rừng thông tại xã Tân Thanh (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) bằng thủ đoạn khoan lỗ đổ hóa chất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước