Được ví như thiên đường xanh hay thiên đường giữa biển khơi, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vài năm trở lại đây đã có mức tăng trưởng mạnh khi thu hút lượng du khách ngày một cao.
Từ 36.000 lượt khách năm 2014, đến nay đã tăng gần 300.000 lượt. Đây là lợi thế vô cùng lớn để phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, lượng khách đến càng tăng thì áp lực về môi trường càng lớn.
Tại Cảng cá Lý Sơn, hàng chục tấn cua, cá, ốc... các loại được đổ về đây mỗi ngày. Tham gia hoạt động mua bán này có đến vài trăm người. Chỉ khoảng 3 tiếng mỗi sáng nhưng lượng túi nylon và các rác thải khác thải ra ở đây không hề nhỏ.
Bãi biển, bến neo đậu tàu thuyền là những nơi rác được nhìn thấy. Ngoài việc đánh bắt cá, người dân Lý Sơn còn trồng tỏi và hành. Bây giờ đang là thời điểm thu hoạch tỏi nên rác nông nghiệp cũng góp phần gây ô nhiễm cho đảo này.
Vẫn là những con sóng nhưng ở đảo Lý Sơn, sóng không hiền hòa. Bởi mỗi cơn sóng đưa vào, đảo lại thêm rác. Gia đình ông Bùi Mã đã sinh sống 3 đời trên đảo bé Lý Sơn, ông chứng kiến rác đến từ biển mỗi năm, theo mùa.
So với những năm trước, huyện Lý Sơn cũng đang thay đổi rất nhiều. Rác đã được thu gom mang đi xử lý. Nhưng để làm tốt công tác bảo vệ môi trường, mỗi năm, huyện này sẽ phải chi từ 11 - 12 tỷ đồng trong khi chỉ có 14 tỷ đồng từ ngân sách. Có lẽ một phần cũng vì lý do này mà rác thải ra từ bờ và rác từ đại dương vẫn còn.
Những tảng đá đen hay còn gọi là nham thạch là vết tích của việc phun trào núi lửa từ cách đây hàng nghìn năm đã tạo cho đảo bé Lý Sơn một cảnh quan thiên nhiên rất đẹp. Tuy nhiên, nơi đây mỗi năm cũng phải hứng chịu từ 3-4 cơn bão mạnh kèm theo đó là rất nhiều rác thải nhựa. Lượng rác nhựa hiện có làm cho cảnh quan nơi đây xấu đi rất nhiều.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!