Những câu chuyện ô nhiễm môi trường đã được ghi nhận ở Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam khiến lúa chuyển màu đen, gạo trắng thành gạo than. Đây là tình cảnh của người dân ở 1 xã ở huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm cũng chưa cho thấy sự kiên quyết.
Từng là ngôi ngôi làng bình yên bình phía Tây Đà Nẵng, cuộc sống hơn 300 hộ dân thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn bị xáo trộn khi hàng loạt mỏ đá được cấp phép khai thác ở đây. Khu vực 500 ha nhưng có đến 7 mỏ đá. Cánh đồng trù phú rộng hơn 100 ha đã bị đất đá bồi lấp. Ruộng lúa của nông dân thôn Phước Thuận cũng thành bãi chứa chất thải. Mất đất, nông dân mất sinh kế. Chủ mỏ đục khoét tài nguyên, nông dân xót xa khi đồng ruộng trù mật bị bỏ hoang.
Không chỉ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ mỏ đá, người dân thông Phước Thuận còn đối mặt với ô nhiễm do các bãi chứa than. Trong đợt mưa đầu tháng 5 vừa qua, nước đen từ bãi chứa than Thái Đà chảy tràn xuống cánh đồng lúa, gây thiệt hại gần 2 ha lúa của bà con nông dân. Toàn bộ lúa sau thu hoạch biến thành màu đen, gạo trắng thành gạo than.
Việc khai thác khoáng sản đã gây ô nhiễm, ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống của người dân
Nước từ bãi chứa than gây thiệt hại lúa của nông dân, mới đây, UBND huyện Hòa Vang xử phạt hộ kinh doanh Thái Đà 1,25 triệu đồng. Ngoài ra, chủ bãi than này đã cam kết hỗ trợ 600.000 đồng cho một sào lúa. Hỗ trợ, đền bù cho người dân quanh mỏ khoáng sản là cần thiết nhưng chưa thể bù đắp được. Bởi hàng chục năm qua, người dân sống cạnh mỏ đá gánh chịu ô nhiễm khói bụi, nguồn nước, tiếng ồn. Mỏ đá là nỗi ám ảnh của người dân. Người dân thôn Phước Thuận đã nhiều lần kiến nghị chính quyền di dời người dân đi nơi khác nhưng giải quyết ô nhiễm môi trường vẫn mịt mờ như bụi đá.
Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản, nhất là khai thác đá không làm đúng theo đánh giá tác động môi trường, khai thác không đúng theo thiết kế, không đảm bảo an toàn cho công nhân. Hậu quả trước mắt là môi trường ô nhiễm. Hậu quả lâu dài không thể hoàn thổ, không thể phục hồi môi trường sau khai thác, núi đồi, cảnh quan bị băm nát.
Tại Đà Nẵng, hiện có 18 mỏ đang tiến hành hoàn thổ nhưng tiến độ rất chậm, dù có doanh nghiệp hết hạn giấy phép đã nhiều năm.
Còn với tỉnh Quảng Nam, tình hình khai thác khoáng sản gây ô nhiễm cũng đang rất nhức nhối. Đến mức độ người dân tại xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành vì quá bức xúc khi hàng nghìn xe ben đi trên đường dân sinh vào 5 mỏ đá, nên đã vài lần phong tỏa con đường dẫn vào các mỏ đá này.
Sau hai lần đối thoại giữa người dân và chủ mỏ đá, người dân thôn Hòa Đông đã đồng ý để các phương tiện giao thông vào vận chuyển đá đi tiêu thụ. Hoạt động khai thác đá được nối lại bình thường. Theo người dân địa phương, các chủ mỏ đã thuê người tưới nước từ đường dân sinh vào các mỏ. Bụi đá giảm thiểu một phần. Tuy nhiên, hạn chế ô nhiễm bằng cách tưới nước chỉ giải quyết ở phần ngọn. Nguồn bụi phát sinh từ mỏ đá vẫn chưa được xử lý tận gốc.
Theo cam kết của 5 doanh nghiệp khai thác đá, tuyến đường dân sinh dài 500 mét nối từ đường quốc lộ đến các mỏ đá sẽ được 5 chủ mỏ thảm bê tông. Nay mai tuyến đường sẽ được khởi công. Nếu trước đây, các doanh nghiệp phủ nhận việc gây ô nhiễm, chối bỏ trách nhiệm xử lý bụi đá và phục hồi môi trường, thì nay, các chủ mỏ mới thừa nhận trách nhiệm của mình.
Mặc dù ô nhiễm bụi mịn và tiếng ồn vượt quy chuẩn nhưng tại công trường khai thác, các doanh nghiệp vẫn chưa lắp đặt thiết bị phun sương để giảm bụi. Một số doanh nghiệp hết hạn giấy phép khai thác nhưng vẫn chế biến rầm rộ. Trên địa bàn xã Tam Nghĩa có đến 10 mỏ đá, riêng thôn Hòa Đông có đến 5 mỏ. Tỉnh Quảng Nam vừa thành lập tổ liên ngành do lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường làm tổ trưởng để kiểm tra 5 doanh nghiệp khai thác đá tại khu vực này.
Mỏ đá Hòa Đông hết hạn giấy phép khai thác đã 2 năm. Tuy nhiên tại đây, việc chế biến đá vẫn diễn ra rất rầm rộ. Tỉnh Quảng Nam thành lập đoàn để kiểm tra các mỏ đá. Chưa biết kết quả kiểm tra thế nào. Thực tế tại hiện trường cho thấy, việc khai thác đá vẫn chưa có gì thay đổi so với trước đây.
Ở tỉnh Quảng Nam, mặc dù đã có nhiều cuộc thanh kiểm tra nhưng việc khai thác khoáng sản trái phép vẫn đang diễn ra.
Trong năm qua, đã có 12 cuộc thanh, kiểm tra đối với 28 đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn. Đã có 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng.
Đối với khoáng sản chưa khai thác, qua kiểm tra, truy quét, lực lượng chức năng đã phát hiện 91 vụ vi phạm, trong đó khởi tố 1 vụ và xử phạt vi phạm hành chính 89 vụ, tịch thu nhiều máy móc, thiết bị, dụng cụ để khai thác khoáng sản trái phép.
Khai thác khoáng sản mang lại những nguồn lợi lớn cho địa phương có mỏ, cho doanh nghiệp thực hiện khai thác nhưng lại có những tác động rất lớn tới môi trường, có thể phá vỡ cấu trúc địa chất và cảnh quan, tạo ra các bãi thải hoặc hồ chứa thải với diện tích lớn. Khi kết thúc khai thác vẫn còn nguy cơ sạt lở bãi thải, sụt lún, mang theo các chất ô nhiễm ra môi trường. Làm sao để hài hòa giữa lợi ích kinh tế và gìn giữ môi trường, đảm bảo cuộc sống của người dân - đó là câu hỏi lớn dành cho các nhà quản lý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!