Từ rơm rạ, nguồn nguyên liệu luôn sẵn có khắp nơi, các sinh viên Khoa Hóa và môi trường, Đại học Thủy Lợi đã dùng công nghệ để tách chiết, tạo ra màng nano sinh học. Tấm màng này được dùng trong sản xuất khẩu trang, vừa có tác dụng phòng chống COVID-19. Đề tài nghiên cứu xuất phát từ mong muốn giải bài toán ô nhiễm từ nhiều vùng quê Việt Nam.
Mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 50 triệu tấn rơm. Hầu hết rơm rạ bị đốt bỏ ngoài đồng. Thành phố Hà Nội đã cấm đốt rơm rạ từ đầu năm 2021. Nhiều nước châu Á cũng đã cấm đốt rơm rạ, gây ô nhiễm môi trường, khói bụi, che khuất tầm nhìn. Thế nên, đề tài sản xuất khẩu trang từ rơm rạ có thể tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào sẵn có này.
Ngoài ra, dự án còn giúp giảm rác thải y tế. Mỗi phút trong ngày thế giới đang vứt bỏ khoảng 3 triệu chiếc khẩu trang. Rác khẩu trang gây ra các chất độc hại cho môi trường. Trong khi đó, khẩu trang từ rơm rạ không gây hại môi trường bởi chỉ cần thay màng lọc là có thể tái sử dụng.
Với những ưu điểm tận dụng được rơm rạ, lại giảm ô nhiễm môi trường, giúp phòng chống COVID-19, đề tài đã được trao giải tại cuộc thi Sáng tạo Bách khoa năm 2020 của nhóm các trường đại học. Việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong nhà trường, các sinh viên đã cùng thầy cô nuôi dưỡng đam mê khoa học, tạo ra những sản phẩm hữu ích cho đời sống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!