Khi chỉ trích cá nhân trở thành cuộc tổng công kích - “thú tiêu khiển” trên mạng xã hội

Việt Hoàng-Thứ bảy, ngày 26/09/2020 13:56 GMT+7

VTV.vn - Nhờ vào mạng xã hội mà việc tổng công kích ai đó giờ đây trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, tới độ trở thành một trong những “thú tiêu khiển” được ưa chuộng.

Ở thế giới thể thao, ăn mừng là một món đặc sản mà nếu thiếu nó chính khán giả cũng không thấy ý nghĩa của chiến thắng nữa. Mức độ cảm xúc vỡ òa tỉ lệ thuận với độ khốc liệt của cuộc thi đấu hay chí ít là thứ áp lực mà chính người trong cuộc đang phải vượt qua. Cách ăn mừng này của Quang Hải trong trận chung kết Cúp Quốc gia vừa rồi là một ví dụ.

Khi chỉ trích cá nhân trở thành cuộc tổng công kích - “thú tiêu khiển” trên mạng xã hội - Ảnh 1.

Giống như Quang Hải, Thu Hằng - nhà tân vô địch của Đường lên đỉnh Olympia - đang ở phần khởi động của sự nghiệp. Tuổi 17 với sự cá tính và chút "dại khờ" đã đem đến cho Hằng bài học đầu tiên của người nổi tiếng. Nhưng em sẽ sớm nhận ra bài học thứ hai là mạng xã hội cũng giống như cá vàng nên hãy cứ yên tâm mà bước tiếp. Nếu những ai vẫn chỉ trích màn ăn mừng của cô bé 17 tuổi này, nên hiểu rằng, nó không liên quan gì đến sự thiếu khiêm tốn hay điềm tĩnh cả.

Khi chỉ trích cá nhân trở thành cuộc tổng công kích - “thú tiêu khiển” trên mạng xã hội - Ảnh 2.

Còn trong bài viết trên tạp chí The New Yorker của Mỹ về bệnh nhân COVID-19 thứ 17 của Việt Nam, chị gái bệnh nhân chia sẻ rằng: Chính quyền thường xuyên sử dụng các nguồn tin rò rỉ từ báo chí để khiến người dân tin tưởng hoặc hoang mang. Báo chí đã được mời vào cuộc họp về sức khỏe của bệnh nhân. Chỉ 1 giờ sau khi các báo được đăng tải thông tin thì người sử dụng Internet đã xác định được danh tính và tìm ra tài khoản mạng xã hội của bệnh nhân này. Sau đó là một loạt tin đồn về việc bệnh nhân đi qua nhiều nơi khi đã bị nhiễm bệnh.

Dĩ nhiên với những người ở Việt Nam, để chỉ ra những điểm chưa chính xác trong lời kể này không phải là điều khó.

Khi chỉ trích cá nhân trở thành cuộc tổng công kích - “thú tiêu khiển” trên mạng xã hội - Ảnh 3.

Thứ nhất, việc cáo buộc chính quyền sử dụng các thông tin rò rỉ trên báo chí để thuyết phục hay làm người dân sợ hãi là hoàn toàn sai bởi ngay trong đêm 6/3, khi xác thực về ca mắc COVID-19 đầu tiên tại Hà Nội, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Thủ đô đã triệu tập họp khẩn cấp để thông tin chính thức, đầy đủ và minh bạch về sự việc. Lãnh đạo Hà Nội khi đó cũng khẩn thiết kêu gọi mọi người bình tĩnh và không hoảng sợ.

Thứ hai, việc cáo buộc thông tin sau cuộc họp của chính quyền khiến cộng đồng mạng tìm ra danh tính và tài khoản mạng xã hội của bệnh nhân là không chính xác. Bởi thực tế trước khi cuộc họp diễn ra, những thông tin chưa kiểm chứng về danh tính bệnh nhân đã xuất hiện trên mạng xã hội, thậm chí, nhiều tài khoản cá nhân còn bị tấn công nhầm vì tưởng là bệnh nhân số 17. Còn từ phía chính quyền, danh tính của bệnh nhân hoàn toàn được bảo vệ, chỉ những thông tin liên quan đến việc khoanh vùng dịch mới được công bố.

Thứ ba, việc một loạt tin đồn về địa điểm bệnh nhân đi qua tuy có xuất hiện nhưng ngay lập tức được chính quyền bác bỏ để tránh hoang mang dư luận. Và chỉ cần tìm trên Google sẽ thấy một lượng lớn các bài viết liên quan đến bệnh nhân số 17 lại đều về việc xử phạt hành chính những người tung tin đồn, tin giả về ca bệnh này. Điều này cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật.

Nhắc đến câu chuyện này, một số người đang chờ đợi sự lên án mạnh mẽ từ báo chí. Nhưng sâu xa hơn phải hiểu được bài học cần rút ra về những thông tin chưa chính xác trong bài nói trên. Bởi tin chắc là nhiều người còn chưa trực tiếp đọc bài viết trên tờ The New Yorker, chứ đừng nói là đọc đầy đủ. Trong nhiều thông tin chưa đúng về bệnh nhân số 17, cũng có những cái đúng.

Ví dụ như việc một bộ phận cư dân mạng, và cả báo mạng, đào bới những thông tin về đời tư và gia cảnh của bệnh nhân này là một hành động không hay. Và càng tệ hơn khi lại vin vào đó để gửi những lời chửi bới hay lăng nhục. Chính hành vi "ném đá hội đồng" như vậy đã tạo ra hành động ngược lại, dẫn đến bài viết trên tờ The New Yorker. Sai lầm đó có dấu hiệu tiếp diễn khi tài khoản mạng xã hội của The New Yorker đang hứng chịu nhiều bình luận mang tính chửi rủa chứ không phải tranh luận. Vậy những người nước ngoài khác sẽ nghĩ gì? Họ có phân biệt được đúng - sai khi chỉ nhìn vào những bình luận đó?

Ở đây, có một khái niệm tạm gọi là "công kích cá nhân". Nó khác một chút so với chỉ trích. Đó là thay vì tập trung vào luận điểm hay bản chất sự việc thì lại tấn công vào các đặc tính hay hoàn cảnh cá nhân của đối phương.

Ví dụ như tâm sự xót xa của một em học sinh nghèo ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội: "Các bạn hay bảo con là đồ nhà nghèo. Họ còn bảo con là cái đồ không được đi học, suốt ngày ở nhà. Đồ học dốt lại còn lúc nào cũng thích đi học. Thà ở nhà đi còn hơn… Quyết tâm của con là phải học thật giỏi. Để những người cười con họ phải sai".

Nhưng đừng trách con trẻ bởi chúng chỉ học theo người lớn mà thôi! Trùng hợp là mới đây Bộ GD-ĐT cũng ban hành những quy định mới về khen thưởng, kỉ luật trong nhà trường. Trong đó có một điều: Không được phê bình học sinh trước lớp và trước trường. Sự đổi mới này cũng chính là để xóa đi nỗi sợ bị chỉ trích, thậm chí công kích từ đám đông. Từ đó hình thành một nếp văn hóa mới không có thói quen này. Học sinh mắc lỗi, chắc chắn phải nhận kỷ luật. Nhưng mức độ kỷ luật, cách thức kỷ luật như thế nào sẽ quyết định học sinh có thực sự nhận thức được lỗi lầm của mình để sửa đổi hay không.

Khi chỉ trích cá nhân trở thành cuộc tổng công kích - “thú tiêu khiển” trên mạng xã hội - Ảnh 4.

Dễ nhận ra, nhờ vào mạng xã hội mà việc tổng công kích ai đó trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, tới độ trở thành một trong những thú tiêu khiển được ưa chuộng. Chỉ trích tập thể không phải lúc nào cũng xấu bởi nếu được định hướng tốt, nó sẽ giúp gia tăng trách nhiệm giải trình, xóa đi nhiều hành vi sai trái trong cuộc sống. Nhưng nếu sai hướng, chuyển thành công kích, thì "bão cộng đồng mạng" đơn thuần chỉ là tàn phá.

Với tân quán quân Đường lên đỉnh Olympia và cả những người đang vươn tới chiến thắng trong mọi cuộc thi khác, hãy giữ cá tính của mình và tiếp tục hoàn thiện bản thân! Còn nếu muốn ứng xử thật khéo léo để vừa lòng tất cả thì dĩ nhiên phải học, giống như ở các cuộc thi Hoa hậu vậy!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước