Dù thế giới công nghệ có phát triển đến nhường nào thì vẫn không thể thay thế những trang sách thơm mùi giấy, đậm màu mực. Sách vẫn có một chỗ đứng rất riêng trong lòng những người đam mê tìm tòi tri thức.
Học sinh trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hưởng ứng Chương trình thúc đẩy văn hóa đọc. Ảnh: Minh Đức – TTXVN
Ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam. Tại Phố sách Hà Nội, Hội xuất bản Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động phong trào đọc sách trong cộng đồng. Đây là một trong rất nhiều hoạt động hưởng ứng ngày Sách và văn hóa đọc trên toàn quốc, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức, phát triển tư duy và rèn luyện nhân cách con người.
Ghé thăm Phố sách Hà Nội thường xuyên, nhiều gia đình như chị Yến lựa chọn hình thức này để con có thể gần hơn với sách và xa hơn với các thiết bị công nghệ.
Thống kê từ Cục Xuất Bản cho thấy, cho dù số sách xuất bản hàng năm đều tăng cao nhưng số đầu sách người Việt đọc trung bình hàng năm chỉ xấp xỉ 1 cuốn. Mỗi năm, một người Việt Nam chỉ chi khoảng 40.000 đồng để mua sách, con số rất thấp so với các nước trong khu vực.
Phát động phong trào đọc sách không chỉ là nỗ lực từ phía các nhà xuất bản, cần tiếng nói song hành từ trường học và trong mỗi gia đình.
Sau 8 năm tổ chức, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành sự kiện văn hóa được hưởng ứng tại nhiều địa phương. Có hơn 60 Hội sách được tổ chức hàng năm trên cả nước. Đường sách Nguyễn Văn Bình TP Hồ Chí Minh - điểm sáng của văn hóa học thu hút 12 triệu lượt khách, thu về 200 tỷ đồng doanh thu sau 5 năm hoạt động.
Đường sách Nguyễn Văn Bình TP Hồ Chí Minh. Ảnh: FB Đường Sách
Các hoạt động của Ngày sách và văn hóa đọc gắn kết các tác giả - người làm sách - tác phẩm - độc giả. Sách - một thứ hàng hóa đặc biệt có những không gian riêng, ở đó, tri thức của độc giả được đơm hoa kết trái.
Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn
Giữa rất nhiều phương tiện giải trí hiện nay, lựa chọn đọc sách đôi khi là một thử thách với các bạn trẻ. Vì thế, nuôi dưỡng tình yêu đọc sách với thanh niên cần rất nhiều nỗ lực. Những sáng kiến để thu hút những người trẻ yêu sách hơn cũng thường xuyên được tổ chức. Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam hôm nay đã tổ chức Chương trình "Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn" và phát động chương trình Thúc đẩy văn hóa đọc, với chủ đề "Hành trang tri thức".
Chương trình tổ chức các hoạt động truyền thông thúc đẩy đam mê đọc sách trong thanh niên như xây dựng infographic, phim ngắn về tác dụng của việc đọc sách; lựa chọn, giới thiệu các ấn phẩm hay, có ý nghĩa phù hợp với từng đối tượng hội viên, thanh niên; tạo điều kiện cung cấp sách cho hội viên, thanh niên; hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, thanh niên tiếp cận các nguồn sách phù hợp; tổ chức cuộc thi trực tuyến "Cuốn sách thay đổi cuộc đời" để bạn đọc chia sẻ về những cuốn sách hay, có ý nghĩa, làm thay đổi nhận thức và cuộc sống của bản thân người dự thi.
2 năm dịch bệnh khiến tốc độ chuyển đổi số nhanh hơn và xuất bản không nằm ngoài xu hướng này. Nhưng quan trọng hơn, những người làm sách đã chú trọng mở rộng đề tài, thể loại và nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sách.
Nhờ mở rộng hợp tác với các nhà xuất bản quốc tế lớn, ngày càng nhiều quyển sách thuộc dòng bán chạy nhất được mua bản quyền và phát hành sớm. Có thể nói, nền xuất bản Việt nam đang có những bước tiến hội nhập nhanh chóng vào công nghiệp xuất bản thế giới.
Một số cuốn sách được Alpha books hoàn tất việc mua bản quyền trong thời gian ngắn kỷ lục, chỉ khoảng 2 tuần, ngay trong những tháng cao điểm dịch COVID-19 cuối năm 2021. Thậm chí, tháng 10/2022, cuốn sách "Hành trình nhân loại" mới được xuất bản, nhưng hiện tại, việc mua bản quyền đã hoàn tất, nghĩa là cuốn sách sẽ đồng thời ra mắt tại Việt Nam cùng với tất cả các thị trường quốc tế. Trong khi trước đây, độ trễ xuất bản tại Việt nam là khoảng 6 tháng đến 1 năm.
Còn tại một đơn vị làm sách, việc đầu tư công nghệ phát triển sách nói, sách điện tử đã bắt đầu cho thấy trái ngọt. Bất chấp đại dịch, lượng độc giả tăng trung bình 20%-30%/năm trong vòng 3 năm qua. Hiện tại, chỉ tính 3 đơn vị sách nói lớn nhất là Voiz FM, Fonos và Waka, lượng bạn đọc tiếp cận đã đạt khoảng 25 triệu lượt, tăng hàng chục lần chỉ sau 1 năm.
Chuyển đổi số là con đường không thể khác, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh còn khó lường. Cục Xuất bản, in và phát hành cho biết, trong năm 2022 sẽ bằng mọi cách để có ít nhất 25% nhà xuất bản tham gia xuất bản điện tử. Điều cần cải thiện nhất lúc này chính là công tác quảng bá tuyên truyền, tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ các đơn vị xuất bản.
Đã có nhiều cuốn sách phát hành được hàng trăm nghìn bản - phần thưởng cho các đơn vị làm sách biết nắm bắt thị trường và nhu cầu của độc giả. Trong khi đó, so với vài năm trước, các vụ việc sai phạm về nội dung xuất bản phẩm giảm hẳn. Thị trường xuất bản Việt Nam đang từng bước hướng tới sự lành mạnh và chuyên nghiệp.
Sáng kiến lan tỏa văn hóa đọc
Những nỗ lực đổi mới, thích nghi trong tình hình mới của ngành xuất bản là rất đáng ghi nhận. Nhưng để sách có được vị trí riêng trong lòng độc giả trong cơn bão số hóa thì hình thức đưa sách đến với độc giả cần linh hoạt và sinh động hơn. Nấu một món ăn ngon là chưa đủ mà còn phải biết cách quảng bá quán ăn của mình. Quảng bá sách cũng vậy, nhiều quốc gia đã rất sáng tạo trong cách đưa sách gần hơn đến với công chúng.
Tại Indonesia, một sáng kiến độc đáo đang được triển khai nhằm thúc đẩy văn hóa đọc. Chiếc xe 3 bánh chính là thư viện di động dành cho trẻ em ở đảo Java của Indonesia, nơi mà các em khó tiếp cận với các thư viện truyền thống.
Người sáng lập “thư viện rác thải” Raden Roro Hendarti, 48 tuổi, sắp xếp sách trên chiếc xe 3 bánh để đưa tới chỗ bọn trẻ trong làng. Ảnh: Reuters
Điểm đặc biệt của sáng kiến này là người đọc có thể mượn sách bằng cách đổi rác thải. Chỉ với một chai nhựa bỏ đi, mọi người có thể truy cập bộ sưu tập khoảng 6.000 cuốn sách và mượn bao nhiêu tùy thích.
Với sáng kiến này, cứ mỗi tuần, cô thủ thư Raden Hendarti thu thập được khoảng 100kg rác thải. Số rác này sau đó sẽ được phân loại để tái chế, số tiền thu được lại phục vụ cho việc mua sách bổ sung cho thư viện.
Còn tại Singapore, phong trào đọc sách quốc gia được Ủy ban Thư viện Quốc gia phát động, nhằm kêu gọi người dân Singapore "đọc nhiều hơn, đọc rộng rãi và đọc cùng nhau".
Các ưu tiên chính của chương trình là tiếp cận người lớn và người cao niên, thúc đẩy việc đọc bằng tiếng mẹ đẻ và khuyến khích cộng đồng thông qua các hoạt động hợp tác. Tất cả đều nhằm mục đích xây dựng một nền văn hóa đọc sôi động ở Singapore.
Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ đọc sách hàng đầu thế giới. Quốc hội Nhật Bản đã thông qua 2 bộ luật gồm "Luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em" năm 2001 và "Luật chấn hưng văn hóa đọc" năm 2005. Tại Nhật Bản, thư viện trường học luôn được chú trọng ngay từ khi còn bé. Bậc mầm non đã được nghe "đọc sách", tại tiểu học còn có tiết "đọc sách" giống như bất kỳ môn học nào. Những hoạt động thực tiễn giáo dục khuyến khích sự tìm tòi sáng tạo đã thúc đẩy hoạt động đọc sách của học sinh.
Nếu chỉ mong đợi đến Ngày sách với những hoạt động khuyến khích đọc sách được tổ chức sẽ khuyến khích nhiều người đọc hơn thì hiệu quả chắc chắn không cao, vì đọc sách là một thói quen cần được tôi luyện mỗi ngày. Hi vọng khi mỗi gia đình rèn luyện cho trẻ thói quen ham đọc sách ngay trong những năm tháng đầu đời, chúng ta sẽ tiếp tục có được những thế hệ yêu tri thức và trân trọng gia trị từ từ sách.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!