Chiều 30/10, đoàn công tác của Thành ủy Hà Nội cùng với UBND huyện Sóc Sơn đã có buổi làm việc và đối thoại với người dân ở 3 xã Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn.
Nội dung cuộc đối thoại về vấn đề đền bù cho người dân ở khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn để tháo gỡ vướng mắc, giải quyết kiến nghị của người dân 3 xã trên.
Đa số các ý kiến đều muốn nâng mức đề bù giá đất ở và đất vườn, áp dụng khung giá đất mới 2020 - 2024 và giá đất tái định cư quá cao nên không thể dùng tiền đền bù để ổn định cuộc sống.
Trong buổi đối thoại, nhiều người dân đã gửi 14 kiến nghị tới đại diện của thành phố. Các ý kiến đều được chia thành các nhóm liên quan đến môi trường, sức khỏe, nước sạch; giải phóng mặt bằng và giá cũng như chính sách đền bù đất.
Người dân chặn xe rác trước đó. Ảnh: VOV
Anh Nguyễn Ngọc Quyết (Lai Sơn, Bắc Sơn) cho biết, có hộ nhiều gia đình nhưng chỉ được 1 suất hỗ trợ. Tiền hỗ trợ ít không thể mua đất ở chỗ khác.
Còn bà Hoàng Thị Mai (Thôn 2, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn) dẫn chứng đất vườn liền kề sử dụng lâu năm chỉ được đền bù 78.000 đồng/m2 nên không thể đi đâu. Vì nếu xây nhà thì không làm ăn, mà làm ăn thì không có đất.
Người dân cũng đề nghị tăng bán kính hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường đến 2.000m do hiện tại bãi rác đã quá cao và quá tải. Vùng bán kính 2.000m cũng bị ảnh hưởng nặng. Có những hộ đã chuyển ra khu bán kính 15.000m nhưng vẫn đúng chiều gió nên mùi rất hôi thối. Nhiều hộ gia đình cũng chỉ cách bãi rác có vài chục mét.
Theo ông Lê Văn Hộ (thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn), đất chuyển đi không bàn với dân, không được thỏa thuận. Dù họ chuyển đi cách đó 1,5km nhưng đúng hướng gió nên vẫn có mùi. Đất ở đã nhiều năm nhưng lại quy định là đất nông nghiệp trồng cây lâu năm. Ông cho rằng thành phố trả lời bằng văn bản, thành phố phải thỏa thuận thì mới thành văn bản và ký.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thanh Phong phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VOV
Theo đại diện UBND TP Hà Nội, riêng với khu liên hiệp xử lý rác thải này, nhà nước đã có nhiều cơ chế đặc thù, riêng tiền đền bù đất đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Thậm chí, thành phố sẵn sàng đền bù phần chênh lệch còn lại, khi người dân di dời ra khu vực tái định cư.
Bắt đầu từ tuần tới, Sở TN-MT sẽ cử 30 cán bộ xuống tổ công tác của 3 địa phương, dưới sự giám sát của thanh tra thành phố để đẩy nhanh tiến độ giải quyết cho bà con. Cơ bản từ nay cho đến trước Tết âm lịch, thành phố sẽ giải quyết ổn định cho người dân.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội lý giải: "Việc nâng giá đền bù phải có thủ tục, chính sách của pháp luật chứ không phải theo cảm xúc. BHYT cấp miễn phí bảo hiểm. Huyện giải quyết và công bố công khai minh bạch cho bà con. TP ngoài tiền đền bù còn thêm 500.000 đồng/m2, riêng khu này là gần nghìn tỷ. Riêng bà con Sóc Sơn, chúng tôi sẵn sàng nằm ngoài công nhận hạn mức đất ở vẫn căn cứ đền bù. Khối lượng tiền này với Sóc Sơn không nhỏ, hàng nghìn tỷ, để bà con cũng hiểu là thành phố quan tâm".
Đại diện TP Hà Nội cũng cho rằng, sẽ hỗ trợ tối đa trên cơ sở quy định pháp luật, công khai minh bạch trên hệ thống loa truyền thanh của địa phương. Thành phố sẽ đôn đốc giám sát để xử lý dứt điểm. Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp nào lợi dụng để trục lợi.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cam kết vận dụng tối đa mọi cơ chế chính sách theo hướng có lợi cho người dân, trên tinh thần tuân thủ pháp luật, xử lý nghiêm minh trục lợi, đề cao thượng tôn pháp luật. Bà con chủ động phối hợp với cơ quan chính quyền, thông chính sách thì phối hợp thực hiện. Hành vi chặn xe là vi phạm pháp luật. Chính quyền không muốn bà con vi phạm pháp luật và hi vọng việc đó không tái diễn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!