Những con sông giờ hiện lên trong tâm trí của nhiều người giống như một cái ao tù nước đọng, một con kênh ôi nhiễm hơn là dòng sông trong lành, tắm mát một thời tuổi thơ. Một phần nguyên nhân do các doanh nghiệp xả thải trái phép.
Nhiều dòng sông vẫn đang "kêu cứu" và hậu quả nhãn tiền là nỗi khổ mà người dân nhiều nơi vẫn đang phải gánh chịu hàng ngày hàng giờ. Ví dụ, tại xã Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, tình trạng các trang trại lợn xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, sức khỏe người dân. Có những thời điểm, những người dân tại đây ăn cơm cũng phải mắc màn, đưa con đi... lánh nạn bởi mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Còn tại đoạn sông Cầu Bây, nơi chảy qua Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội, nơi tiếp giáp với kênh Bắc Hưng Hải, dù người dân dùng đủ mọi cách, mùi hôi từ nước sông chỉ giảm chút ít. Ngay sát bên sông vẫn là những luống rau xanh tốt, tuy nhiên, mỗi ngày, người dân đều phải dùng nước giếng khoan để tưới do nguồn nước dưới sông đã bị ô nhiễm. Khoảng hơn 10 năm nay, tôm cá trên sông gần như không còn. Với những hộ dân sống ngay cạnh sông, nhiều khi mùi không chịu nổi. Dù nhà sát sông nhưng cửa sổ đều phải đóng kín.
Dọc kênh Bắc Hưng Hải sang tới huyện Văn Giang (Hưng Yên) tình trạng ô nhiễm có giảm hơn. Tuy nhiên, ở nhiều đoạn vẫn có dấu hiệu của ô nhiễm môi trường do nước thải công nghiệp và nước thải từ các hộ dân sống hai bên bờ sông. Từ một kênh đào, có ý nghĩa tưới tiêu cho 4 tỉnh khu vực đông bằng Sông Hồng, giờ nỗi lo vì ô nhiễm môi trường đang trở thành bức xúc của những người dân lưu vực kênh Bắc Hưng Hải.
Từ kênh Bắc Hưng Hải đến sông Hồng, một con sông chính ở phía Bắc, cũng thường xuyên bị đầu độc. Nước sông một số thời điểm chuyển hai màu rõ rệt. Người dân hàng ngày mong mỏi sự vào cuộc của cơ quan chức năng nhưng sự vào cuộc đó vẫn chưa thật sự quyết liệt. Tại một khúc sông ở huyện Kim Bảng (Hà Nam), gần 3 năm nay, nước sông bị ô nhiễm và nguyên nhân vẫn được cho là do các nhà máy phía thượng nguồn xả thải trái phép.
Năm 2017, 2018 và những tháng đầu năm 2020, tại vị trí cống Nhật Tựu, sông Nhuệ địa bàn tỉnh Hà Nam đã xảy ra các đợt nước sông bị ô nhiễm nặng, có màu đen và mùi hôi. Một số chỉ tiêu ô nhiễm như BOD, COD, chất hữu cơ, đặc biệt Amoni trong tháng 3 vừa qua vượt ngưỡng cho phép lên đến 141 lần so với quy định. Sở TN&MT Hà Nam đã phát đi thông báo, nước sông bị ô nhiễm cấp 2 theo quy định bảo vệ môi trường của UBND tỉnh.
Nguồn nước bị ô nhiễm, khiến hàng ngàn hộ dân sống xung quanh lưu vực sông Nhuệ Đáy phải bỏ đất vì không thể canh tác do nước sông ô nhiễm. Nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm tại đây được các cơ quan chức năng địa phương cho rằng do nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt từ phía Hà Nội chảy về. Phương án xây đập để tạm thời ngăn nước thải từ đầu nguồn Hà Nội cũng đang được tính đến.
Đập Thanh Liệt quy định cống được quản lý đóng, mở theo mùa. Tuy nhiên, nhiều thời điểm, cống này vẫn mở mà không đúng theo thông báo gửi cho Sở TN&MT Hà Nam. Vì thế, hàng nghìn hộ dân ở các huyện ven sông của tỉnh Hà Nam nhiều thời điểm vẫn phải dùng nguồn nước này để tưới tiêu.
Là một nhánh của sông Hồng, dòng sông Nhuệ Đáy chảy qua nhiều tỉnh, thành như: Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình nên nỗ lực riêng lẻ của một địa phương là chưa đủ. Nước ô nhiễm từ thượng nguồn đôi khi vẫn chảy về và các tỉnh hạ nguồn như Hà Nam, Ninh Bình gần như bất lực.
Cách đây hơn 10 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường. Ba Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông gồm: sông Nhuệ Đáy, sông Cầu, sông Đồng Nai được thành lập nhằm thực thi các cơ chế chung bảo vệ môi trường các dòng sông, ngăn chặn việc phát sinh các nguồn gây ô nhiễm môi trường, phục hồi chất lượng nước sông. Tuy nhiên, việc thực thi các giải pháp cụ thể, nhất là các cơ chế quy định vai trò của các chủ tịch tỉnh luân phiên làm Chủ tịch Ủy ban lưu vực sông như hiện nay đã cho nhiều bất cập trong công tác phối hợp.
Tại các phiên họp lần thứ 13 về Ủy ban Bảo vệ lưu vực sông cầu diễn ra mới đây, nhiều ý kiến đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận, trong gần 12 năm triển khai Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông đã bộc lộ một số hạn chế như: thiếu cơ chế về tài chính, quy định về việc tổ chức thực hiện nên chưa tạo được cơ chế đột phá để các Bộ, ngành, địa phương thực hiện; hoạt động của Ủy ban còn nhiều hạn chế. Đây cũng là thực trạng chung của việc triển khai nhiều đề án bảo vệ môi trường các lưu vực sông.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!