Mất dấu F0 tại Đà Nẵng ảnh hưởng gì tới việc khoanh vùng dập dịch?

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 30/07/2020 19:19 GMT+7

VTV.vn - Từ thực tế tình hình dịch tễ của Đà Nẵng, các chuyên gia nhận định sẽ còn tiếp tục ghi nhận ca nhiễm mới nhưng về cơ bản đã khoanh vùng được ổ dịch thực sự.

Kể từ ngày 25/7, Việt Nam ghi nhận ca mắc COVID-19 mới sau 99 ngày không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Trong số 43 ca mắc mới, chiếm đa số vẫn là các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện C Đà Nẵng - 2 trong số 4 cơ sở y tế đã phải phong tỏa. Đáng lo ngại, nhiều trường hợp là người cao tuổi, vốn đang là bệnh nhân nặng, có trung bình 5-6 bệnh lý nền kèm theo.

Mất dấu F0 tại Đà Nẵng ảnh hưởng gì tới việc khoanh vùng dập dịch? - Ảnh 1.

Cụ thể, liên quan Bệnh viện Đà Nẵng có 15 trường hợp là bệnh nhân đang điều trị, 6 nhân viên y tế và 2 sinh viên thực tập, 7 trường hợp là người nhà chăm sóc bệnh nhân. Tại Bệnh viện C Đà Nẵng, ngoài BN416 - ca mắc mới đầu tiên ở Đà Nẵng kể từ ngày 25/7 đến nay, xác đinh được 3 trường hợp đã đến khám hoặc điều trị.

Ngoài ra, đã có 1 trường hợp đến chăm sóc người nhà tại Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng. Khi về quê có ngồi chung xe với một số người từ Bệnh viện C Đà Nẵng về Quảng Ngãi. 1 trường hợp là bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. 1 ca vào Bệnh viện Giao thông vận tải Đà Nẵng khám và 1 trường hợp trước đó có vào Bệnh viện Hoàn Mỹ tại TP Đà Nẵng điều trị.

Mất dấu F0 tại Đà Nẵng ảnh hưởng gì tới việc khoanh vùng dập dịch? - Ảnh 2.

Qua phân tích các ca bệnh có thể thấy, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, diện ảnh hưởng ngày càng rộng hơn, các ca bệnh mới liên tục được phát hiện. Khách du lịch từ vùng dịch tỏa về nhiều địa phương.

Đánh giá về tính chất của đợt dịch này, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế cho biết: "Việc phát hiện chùm ca bệnh trong khối bệnh viện có thể khẳng định dịch lây lan từ cộng đồng vào. Ngoài ra, chúng ta phát hiện được một vài trường hợp ở ngoài cộng đồng, một số trường hợp xảy ra tại Hà Nội, TP.HCM… đều là các ca bệnh liên quan tới bệnh viện Đà Nẵng. Còn tại các địa phương chưa thấy xuất hiện ca bệnh nào chính của địa phương đó".

"Chủng virus SARS-CoV-2 lần này là mới ở Việt Nam nhưng phổ biến trên thế giới. Người ta cho rằng không có tăng động lực, không tăng sự trầm trọng của bệnh. Chúng ta vẫn thực hiện các biện pháp đáp ứng giống thời gian qua đối với chủng này" - PGS.TS. Trần Đắc Phu thông tin thêm.

Mất dấu F0 tại Đà Nẵng ảnh hưởng gì tới việc khoanh vùng dập dịch? - Ảnh 3.

Trả lời về việc mất dấu F0 tại Đà Nẵng có ảnh hưởng tới việc khoanh vùng dập dịch hay không, PGS.TS. Trần Đắc Phu cho rằng: "Đây là tình trạng chung của nhiều nước trên thế giới. Việc phát hiện ra F0 cũng là cần thiết nhưng không quá quan trọng. Quan trọng lúc này là phải tìm ra những ca liên quan, tiếp xúc gần, những ổ dịch, những bệnh nhân để phát hiện ra ổ dịch mới. Chúng ta khoanh vùng, dập dịch quyết liệt, triệt để mới là điều quan trọng số 1. Việt Nam rất có kinh nghiệm trong việc này".

Cũng theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, trong lúc này, không chỉ Đà Nẵng mà tất cả các tỉnh phải có sự giám sát, chủ động phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế để có thể phát hiện có ca bệnh từ Đà Nẵng hay không. "Bộ Y tế có chỉ định xét nghiệm trên diện rộng cụ thể, với những người đi từ Đà Nẵng về có liên quan đến ổ dịch cần được xét nghiệm ngay. Những người đi Đà Nẵng về không thuộc diện trên nhưng có ho, sốt đều được xét nghiệm. Chúng ta không nên ồ ạt đi xét nghiệm. Phương pháp phòng bệnh là quan trọng" - PGS.TS. Trần Đắc Phu nói.

Xác định được hơn 6.600 đối tượng F1 ở Đà Nẵng Xác định được hơn 6.600 đối tượng F1 ở Đà Nẵng

VTV.vn - Tính từ ngày 25/7 đến sáng 30/7, TP. Đà Nẵng xác định được 6.665 đối tượng F1, 1.178 đối tượng F2 liên quan đến các bệnh nhân mắc COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước