Gần 10 năm nay, ông Đào Văn Minh - Xã Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội phải hút nước giếng khoan để tưới rau, vì nguồn nước tưới từ sông Cầu Bây - một trong những nhánh sông chính chảy vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải gần nhà ông đã không còn sử dụng được.
Ông Minh cho biết: "Năng suất kém hiệu quả, củ cây trồng không to mà sần, tức là bị nhiễm hóa chất của mấy khu công nghiệp".
Các hộ nuôi trồng thủy sản không dám lấy nước từ sông Cầu Bây vào ao cá, nhưng nước sông vẫn ngấm vào ao, gây thiệt hại cho những hộ như gia đình ông Oanh.
Ông Nguyễn Tiến Oanh - Xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội nói: "Ao cá này tôi nuôi để kinh doanh nhưng cá chết hết".
Những thiệt hại mà nông dân ở đây đang phải gánh chịu là hệ quả từ tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ở sông Cầu Bây. Kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho thấy, có tới 14/18 thông số nguồn nước vượt chỉ tiêu cho phép. Thậm chí, có những thông số vượt tới hơn 40.000 lần tiêu chuẩn Việt Nam.
Ô nhiễm cũng là vấn đề chung đang đe dọa tới toàn tuyến thủy lợi Bắc Hưng Hải, với diện ảnh hưởng khoảng 200.000 ha. Ở 4 tỉnh, thành phố sử dụng nước tưới từ Bắc Hưng Hải là Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Bắc Ninh đã có hàng nghìn ha đất nông nghiệp phải bỏ hoang vì không tìm được nguồn nước tưới thay thế. Ngành nông nghiệp đã nắm được vấn đề này nhưng không giải quyết được vì bất cập trong hệ thống quản lý.
Ông Nguyễn Đức Lư, PGĐ Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải cho rằng: "Không thể kiểm soát được những cống do các địa phương quản lý xả ra, trong khi những cống gây ô nhiễm cho hệ thống, đặc biệt là cống sông Cầu Bây do cơ quan của Hà Nội quản lý".
Vậy là cá vẫn sẽ tiếp tục chết, đồng ruộng sẽ tiếp tục bị bỏ hoang vì ô nhiễm nguồn nước tưới. Thực tế này sẽ còn tồn tại nếu không có những biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn ngay tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở Bắc Hưng Hải.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.