Phí lắp đặt đồng hồ đo nước quá cao: Quyền lợi người dân bị phớt lờ

Anh Tuấn-Thứ hai, ngày 08/06/2020 22:17 GMT+7

VTV.vn - Phải nộp 6 triệu đồng để kéo nước sạch về nhà, có tiền mới có nước, doanh nghiệp đã bỏ qua hàng loạt quyền lợi của người dân mà chỉ ung dung bán nước và thu tiền.

Đưa nước sạch về nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân là chủ trương đúng đắn, thực sự cần thiết trong bối cảnh nhiều địa phương đang lâm vào tình cảnh thiếu nước sạch trầm trọng. Tuy nhiên, cách triển khai như thế nào mới là điều quan trọng, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân.

Niềm vui của rất nhiều hộ dân tại địa bàn vùng nông thôn của tỉnh Thanh Hóa chưa hết khi có nhiều doanh nghiệp cung cấp nước sạch thì giờ đây, họ lại có nhiều điều phải băn khoăn, bức xúc vì cho rằng chủ đầu tư một số dự án thu chi thiếu minh bạch trong quá trình triển khai.

Phí lắp đặt đồng hồ đo nước quá cao: Quyền lợi người dân bị phớt lờ - Ảnh 1.

Để lắp đồng hồ đo nước, người dân phải bỏ ra khá nhiều tiền.

Ở vùng quê này, không quá khi mà nói rằng, với nhiều hộ gia đình ở đây, thì nước sạch vẫn đang là thứ mà họ phải thèm khát. Vì số tiền phải đóng để có được một cụm đồng hồ đo nước vẫn đang vượt quá khả năng chi trả của họ.

Như tại địa bàn một số xã Quảng Yên, Quảng Văn… thuộc huyện Quảng Xương, từ cuối năm 2019 đến nay, nếu hộ nào sử dụng nước sạch phải đóng 5 triệu đồng, theo phát giá của của Công ty Cổ phần Đầu tư cấp nước An Bình.

Đại diện chính quyền địa phương cho rằng khoản thu này quá cao và cho biết phía DN không giải trình được khoản thu khi có yêu cầu.

Vậy nhưng, tại địa bàn xã Hà Tân, huyện Hà Trung, số tiền người dân phải đóng cho doanh nghiệp nước sạch còn cao hơn thế. Khi Công ty Xây dựng môi trường nước sạch Hà Trung phát giá 6,5 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, nếu chậm nộp, số tiền người dân phải đóng để dùng nước sạch sẽ leo thang từng ngày. Như tại dự án nước sạch ở thôn Bái Sơn, xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, trước 30/4, mức thu là 6.300.000 đồng, còn sau thời điểm này, sẽ tăng lên 7 triệu đồng.

Ông Trịnh Bá Thuận, Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa cho biết bản chất số tiền này là tiền đóng góp của người dân với doanh nghiệp với nhiều hình thức thỏa thuận. Sau này, khi DN làm ăn có lãi, người mua nước sẽ được hưởng lợi nhuận, lợi tức từ tiền đóng góp của mình. Cũng có thể sau này DN hoàn trả lại tiền cho người dân hoặc căn cứ vào số tiền dân đóng góp doanh nghiệp sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt giảm giá nước cho người dân.

Tuy nhiên, khi được hỏi, từ các hộ dân cho đến chính quyền địa phương đều có chung câu trả lời nộp xong là mất, không được hoàn trả lại tiền cũng không được trừ vào tiền nước, không hề có thỏa thuận trong hợp đồng.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, việc thu tiền nhằm huy động vốn của người dân mà không cam kết quyền lợi là không đúng theo quy định pháp luật.

Để minh bạch khoản thu này, phóng viên đã liên hệ với một số công ty nước sạch trên nhưng vẫn chưa có buổi làm việc được với lãnh đạo các doanh nghiệp, khi họ đều né tránh với nhiều lý do khác nhau.

Mập mờ thu phí dự án nước sạch nông thôn Mập mờ thu phí dự án nước sạch nông thôn

VTV.vn - Niềm vui của nhiều hộ dân tại tỉnh Thanh Hóa chưa được là bao khi có nước sạch, nay lại có nhiều băn khoăn vì cho rằng chủ đầu tư thiếu minh bạch khi triển khai.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước