Hệ thống đại thủy nông Bắc Hưng Hải là công trình thủy lợi lớn nhất miền Bắc, phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 11.000 ha đất canh tác; tạo nguồn cấp nước phục vụ chăn nuôi và sinh hoạt cho hàng triệu người dân ở 4 tỉnh thành gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, từ đó góp phần quan trọng để giảm thiểu ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước và cải thiện môi trường sinh thái.
Tuy nhiên, tình trạng xả thải gây ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi này đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, hủy hoại môi trường dòng sông và đe dọa trực tiếp đến sinh kế của người dân.
Ngoài ô nhiễm, những ngày gần đây, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải còn phải đối mặt với tình trạng hạn hán, thiếu nước kéo dài. Điều này không chỉ gia tăng mức độ ô nhiễm trên sông, mà còn khiến hàng ngàn ha lúa của bà con đối mặt nguy cơ khô hạn, chết cháy.
Dùng đủ mọi cách, máy bơm vẫn không thể chạy được vì thiếu nước, nhưng anh Hướng (xã Cẩm Đoài, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) vẫn chưa bỏ cuộc, quyết vét nốt số nước còn lại trên con kênh nội đồng… để bơm vào ruộng lúa đang khô hạn của mình.
Dòng sông Bắc Hưng Hải - vốn là công trình thủy lợi lớn nhất miền Bắc, lâm vào cảnh ô nhiễm.
Anh Vũ Văn Hướng, xã Cẩm Đoài, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, chia sẻ: "Đây này những cây chết đây này, bao nhiêu cây chết. Nước không lên được. Thiệt hại nhiều. Một lô mất khoảng 60 - 70 triệu".
Còn nước còn tát, bà Hiền (xã Cẩm Đoài, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) cũng ra sức tìm cách cứu vãn không để cây lúa mới cấy lâm vào cảnh chết khô. Hết chặn lại đắp, ai cũng muốn dẫn nước vào ruộng của mình.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, do thiếu nước tưới, gần 2 tuần nay, tình trạng hạn hán đã xảy ra trên diện rộng. Nếu tiếp diễn, trong 5 ngày tới, diện tích hạn tại địa bàn Hải Dương sẽ tăng lên 1.000 ha. Còn Hưng Yên là 4.000 ha. Một chuyện chưa từng có trong tiền lệ.
Bất kể dòng nước nào giờ cũng được tận dụng. Những trạm bơm dã chiến được dựng lên để chuyển nước từ kênh này sang kênh khác.
Trạm bơm Mòi, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, đã phải bơm thứ nước đen ngòm, hôi thối, đặc quánh chất thải từ sông Bắc Hưng Hải để chữa cháy cho ruộng lúa của bà con.
"Đưa dòng nước vào người ta nửa mừng ruộng có nước, nửa lo là nguy hiểm. Không biết cây lúa có chịu được không, hay là cây lúa có ảnh hưởng tới sức khỏe mình không", ông Vũ Danh Hoán, ở xã Vĩnh Hưng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, cho biết.
"Không có nguồn nước nào tốt hơn, bà con phải chấp nhận tưới bằng nước chưa đủ điều kiện, cũng phải sử dụng thôi. Mong bà con đây là thiên tai, thiếu nước nên cũng phải khắc phục", ông Trịnh Thế Trường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, cho hay.
Đúng là hạn hán nước sông cạn là do thiên tai, nhưng để dòng sông Bắc Hưng Hải - vốn là công trình thủy lợi lớn nhất miền Bắc, lâm vào cảnh ô nhiễm không còn là do thiên tai.
Cuối cùng, một thực tế đau xót vẫn đang diễn ra hàng ngày, đó là hoạt động xả thải ra sông từ các khu dân cư và tổ hợp các nhà máy, khu công nghiệp trên nhiều địa bàn khác nhau đang khiến ruộng lúa của hàng ngàn hộ dân phải hứng chịu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!