Xác định nguyên nhân khiến hàng loạt người ngất xỉu ở siêu thị Big C The Garden
Liên quan tới vụ việc hàng loạt người bị ngất xỉu tại siêu thị Big C, ngày 16/3, đại diện Công ty Bình Minh Thăng Long (đơn vị quản lý tòa nhà The Garden) khẳng định, nguyên nhân khiến nhiều người bị ngất tại Big C là do thiếu khí. Cụ thể, theo đơn vị quản lý tòa nhà The Garden, tại thời điểm xảy ra sự cố, lượng khách ra khỏi tầng hầm Big C tăng đột biến.
Trước tình hình đó, nhân viên kỹ thuật đã không kịp thời bật hệ thống quạt hút tăng cường. Cùng thời điểm, độ ẩm ngoài trời cũng khá cao (khoảng 90%). Hệ quả là gây thiếu khí cục bộ ở khu vực quầy thu ngân, khiến một số nhân viên của Big C bị ngất xỉu.
Trước đó, vào khoảng 6h30 ngày 14/3, tại khu mua sắm Big C The Garden, 19 người đã phải nhập viện do có các triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, ngất xỉu.
Dự án thay thế cây xanh tại Hà Nội bị đốn hạ
Tuần qua, người dân Hà Nội đã phải liên tiếp chứng kiến cảnh nhiều hàng cây xanh trên một số tuyến phố bị đốn hạ . Tuy nhiên, trong số đó, có rất nhiều cây khá vững chãi, chắc chắn, không bị mối mọt vẫn bị chặt hạ . Việc làm này đã gây nên làn sóng phản ứng mạnh mẽ của đông đảo người dân thủ đô, từ người dân thường đến các bậc cao niên, trí thức. Tất cả đều cảm thấy xót xa khi nhìn thấy hàng trăm cây xanh bị đốn ngã la liệt.
Trước ý kiến của dư luận, ngày 20/3, UBND Hà Nội đã có cuộc họp với các ban ngành chức năng của thành phố. Theo đó, sau khi kiểm tra thực tế tình hình, lắng nghe ý kiến công luận, phản ánh, kiến nghị của nhân dân trước việc cải tạo, thay thế cây xanh trên địa bàn TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện thị xã và các đơn vị liên quan dừng việc chặt hạ, thay thế cây trên một số tuyến phố và quản lý chặt chẽ cây xanh đô thị theo đúng quy định.
Luật mang thai hộ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/3
Từ ngày 15/3, nghị định cho phép mang thai hộ có hiệu lực, cho phép các bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật này. Theo luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi, bên nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện như: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Điều kiện với người được nhờ mang thai phải là người thân thích cùng họ hàng của bên vợ hoặc chồng; từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ.
Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có hôn nhân thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng. Trường hợp bên nhờ mang thai hộ chậm nhận con hoặc vi phạm nghĩa vụ về nuôi dưỡng, chăm sóc con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của Luật này và bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan. Nếu gây thiệt hại cho bên mang thai hộ thì phải bồi thường… Việc pháp luật cho phép mang thai hộ đã mở ra cơ hội cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng vẫn còn băn khoăn về một số điểm trong Luật này.
Giá điện tăng 7,5% từ 16/3
Sau một thời gian dài giá điện bình ổn (từ giữa năm 2013), kể từ ngày 16/3, giá điện bình quân được điều chỉnh tăng 7,5%. Theo tính toán của các Bộ, ngành, với mức tăng 7,5%, việc điều chỉnh giá điện lần này đảm bảo các yêu cầu EVN không bị lỗ, bởi nếu không điều chỉnh, năm 2015, EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng; dành một phần để giảm khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá các năm trước để lại hiện còn khoảng 8.000 tỷ đồng; đảm bảo khả năng phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,2%; và bảo đảm kiểm soát lạm phát khoảng 5%.
Việc tăng giá điện trong tuần qua không chỉ là mối quan tâm đối với các doanh nghiệp, mà còn tác động tới mọi mặt đời sống của người dân, đặc biệt tại các vùng nông thôn. Trước việc điều chỉnh tăng giá điện, nỗi trăn trở chung của nhiều hộ gia đình tại nông thôn là sử dụng điện làm sao cho tiết kiệm nhất.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.