Do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn nên ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.
Ngày 17/7, chỉ số tia UV ở Hà Nội và Đà Nẵng có giá trị từ 8-10 với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
Đáng chú ý, tại Hà Nội, ngày mai (18/8), nhiệt còn tăng thêm 1 độ C, lên 39 độ C - ngưỡng nắng nóng đặc biệt gay gắt. Trạng thái thời tiết này có khả năng kéo dài đến ngày 19/7 với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ C. Do đó, các bậc phụ huynh lưu ý nên có sự chuẩn bị kỹ, giúp các em học sinh tránh được say nắng hay sốc nhiệt, hoàn thành tốt kỳ thi vào lớp 10.
Cùng với Hà Nội, khu vực Hòa Bình, trung du, đồng bằng Bắc Bộ xuống Thanh Hóa - Quảng Trị cũng nắng gắt. Nền nhiệt cao nhất ngày 17/7 là 36 - 38 độ C, có nơi trên 39 độ C.
Các khu vực còn lại của miền Bắc, miền Trung đỡ nóng hơn, phổ biến 33 - 36 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày phổ biến 40-55%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 10h-18h.
Tây Nguyên, Nam Bộ từ 17/7 sẽ giảm dần mưa, đồng nghĩa với thời gian nắng sẽ nhiều hơn, từ sáng đến 16h. Nhiệt độ cũng tăng nhẹ.
Tại TP.HCM và các nơi khác, mức nhiệt khoảng 30 - 34 độ C. Chiều tối, mưa xuất hiện rải rác. Riêng Đắk Nông, Lâm Đồng có thể mưa to, còn lại là mưa rào nhẹ, dứt nhanh.
Do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao; nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ.
Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!