Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả là nạn khai thác vàng không đúng quy định giờ đây không chỉ xuất phát từ những băng nhóm đơn lẻ mà người ta quen gọi là "vàng tặc", ngay cả những đơn vị được cấp phép thăm dò, khai thác cũng đã có những dấu hiệu làm trái với quy định pháp luật, dẫn đến nhiều hệ luỵ đáng lo ngại. Sau nhiều ngày xuyên rừng bám địa bàn, dù không hề dễ dàng chút nào, nhóm phóng viên CĐ24h đã xâm nhập được vào nơi mà người dân quen gọi là "vùng cấm địa vàng" ở sâu trong lòng núi.
Khi nói đến những mỏ vàng cũng là nói tới những cái chết thảm, hầu như phu vàng nào cũng biết nhưng tại sao nhiều người vẫn phải đánh cược tính mạng của mình, để đeo đuổi vàng - một món quà đắt giá từ thiên nhiên nhưng lại khó mang về như vậy? Nếu trước đây chỉ có những cái chết của phu vàng đến từ những vụ sập hầm, nay ngay cả những người quản lý phu vàng cũng phải chịu những cái chết không thể đoán trước. Câu chuyện về những mỏ vàng và phu vàng chưa bao giờ hết nóng. Sau những cuộc trốn chạy khỏi lãnh địa vàng của hàng trăm phu vàng, lại có hàng trăm phu vàng khác từ các tỉnh phía Bắc nghe lời dụ dỗ của các chủ mỏ lén lút đánh cược mạng sống của mình.
Một mỏ khai thác vàng trái phép
Thánh địa vàng Phước Sơn vốn nổi tiếng với những cuộc giao chiến đẫm máu giữa các băng nhóm đào đãi vàng trái phép. Nhiều cái chết bi thảm, bí ẩn đã diễn ra nơi đây.
Đến nay tình hình đã lắng xuống nhưng những thảm cảnh sập hầm, giết người thi thoảng vẫn xảy ra. Bốn phu vàng đã tử nạn do bị ngạt tại một mỏ vàng sâu trong rừng thuộc địa bàn xã huyện Nam Giang năm 2016. Người đã mất, vàng cũng chẳng thấy đâu, chỉ có nỗi đau kéo dài đến tận bây giờ. Tuy nhiên khắp khe rừng, khe suối những dấu chân phu vàng vẫn len lỏi khắp nơi, có dấu chân đi mà không có về.
"Cơn lốc" tìm vàng ở Phước Sơn và một số huyện vùng núi Quảng Nam đã diễn ra từ giữa thập niên 1990, kéo theo đó là nhiều sự việc đau lòng: người chết do sập hầm, đâm chém tranh giành lãnh địa, bảo kê náo loạn cả một vùng núi xứ Quảng. Đến nay, do có sự vào cuộc ngày càng quyết liệt của hệ thống chính quyền, ngành chức năng tỉnh, "cơn lốc" tìm vàng đã lắng xuống. Tuy nhiên "vàng tặc" vẫn đeo bám, lén lút đào bới trong các cánh rừng sâu hàng chục km. Thống kê mới nhất từ năm 2014 đến nay, hàng chục người đã bị thương vong, trong đó 11 người đã tử vong tại các mỏ vàng. Đó chỉ là con số được báo cáo. Không chỉ con người, mà thiên nhiên ở đây, như những dòng sông con suối ở Phước Sơn và Bắc Trà My, một thời trong xanh, giờ cũng đã ô nhiễm đục ngầu.
Nhằm khắc phục tình trạng khai thác vàng trái phép, ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đã từng cấp phép cho một số công ty khai thác vàng trên địa bàn huyện, với hy vọng các khu vực có công ty khai thác, đất đai sẽ được doanh nghiệp quản lý, ngăn dòng người xâm lấn. Tuy nhiên, kế hoạch này chẳng được bao lâu đã phá sản bởi nhiều người vẫn tìm đủ mọi cách để xâm nhập vào khai thác vàng trái phép, đào mót xái quặng. Còn những doanh nghiệp dù đã hết phép, hay mới được cấp phép thăm dò cũng tự biến mình thành vàng tặc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!