Làng đàn Đào Xá - một mai có còn?
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hà Nội, từ 1.350 làng nghề, làng có nghề, đến nay trên địa bàn thành phố chỉ còn hơn 800 làng nghề, làng có nghề. Mới đây, Hà Nội đã đưa ra danh sách 29 làng nghề bị mai một, cần rà soát, đề xuất đưa ra khỏi danh sách công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống, lộ trình thực hiện đến hết năm 2023.
Thực tế, với sự chuyển đổi nghề nghiệp cũng như những đổi thay trong hoạt động sản xuất, có những làng nghề chỉ còn phần nhiều là danh xưng. Làng nghề làm đàn Đào Xá, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội là một ví dụ. Bất chấp việc nhưng nghệ nhân làm đàn luôn trăn trở giữ gìn, bảo tồn tổ nghiệp, ngôi làng này vẫn dần vắng nghề ngay giữa làng nghề.
Hết người làm là nỗi lo ngày càng hiện hữu của ông Tuấn bên những nhạc cụ dân tộc mình đã gắn bó từ nhiều năm nay. Cũng bởi từ khi cha ông - NSƯT Đào Soạn - qua đời, ông trở thành người kế nghiệp công việc chế tạo nhạc cụ hiếm hoi ở làng nghề này với những người thợ đã gắn bó từ đời trước.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Lỗ, Ứng Hòa, Hà Nội – chia sẻ: "Giờ chỉ còn con trai bác Soạn và một số ít anh em trong gia đình đang làm nghề. Với tình trạng này, trong vài năm nữa, nếu công tác nhân cấy nghề không tốt thì làng nghề làng Đào Xá sẽ dần mai một".
Dần mai một có lẽ là một cách nói giảm nói tránh bởi thực tế, việc mai một không chỉ đã diễn ra mà còn đang dần đi vào vắng bóng khi làng nghề truyền thống này đã giảm tới 90% số hộ làm nghề chỉ sau hơn 10 năm.
Để nghề nối nghề cần người làm nghề tiếp người làm nghề nhưng ở Đào Xá, tiếng đục, tiếng gõ và thanh âm từ đàn bầu, đàn nguyệt… ngày càng vắng tay người… Cũng bởi nghề chưa thể nuôi người.
Ông Đào Anh Tuấn (thôn Đào Xá, Xã Đông Lỗ, Huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cho hay: "Không có ai muốn học nghề vì mất thời gian lâu quá. Hơn 1 năm không có tiền, ra khu công nghiệp làm thì có tiền ngay".
Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Lỗ, Ứng Hòa, Hà Nội: "Do ảnh hưởng của kinh tế thị trường cũng như công tác đào tạo nghề còn nhiều khó khăn, trong đào tạo nghề không có giáo trình, lý thuyết cơ bản mà chủ yếu cầm tay chỉ việc nên ngày càng mai một. Hiện tại có rất ít lao động tham gia học tập làm nghề tại địa phương".
Tìm sức bật cho làng nghề bị mai một
Vắng người nối nghề là bài toán không chỉ của riêng làng nghề làm đàn Đào Xá bởi suy cho cùng nghề vẫn cần phải nuôi được người làm thì mới phát triển và bền vững. Vậy nên, tìm cơ hội để nghề có thể mang lại thêm thu nhập cho người làm nghề, tăng sức hút với thế hệ trẻ tiếp nối là điều cần thiết. Khai thác giá trị du lịch của làng nghề, nhất là với một làng nghề độc đáo như làng làm đàn Đào Xá, không phải là điều chính quyền địa phương hay người làm nghề ở đây chưa từng nghĩ tới.
Các hộ gia đình còn làm nghề cho biết đã từng có những đoàn khách du lịch từ Pháp và các nước châu Âu qua thông tin từ truyền thông, từ truyền hình tìm về thăm quan. Tuy nhiên, do trong làng còn quá ít hộ sản xuất nên du khách cũng không có cơ hội để có thể có nhiều hoạt động thăm quan hay trải nghiệm theo kiểu tour du lịch. Chưa kể đến, việc làng nghề còn hạn chế về các điều cơ sở vật chất, hạ tầng nên hoạt động tham quan, du lịch cũng rất khó để thực hiện được. Vậy nên, khó chồng khó, khi sản xuất làng nghề không thể tìm thêm sức bật để khôi phục và phát triển nghề.
Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Lỗ, Ứng Hòa, Hà Nội: "Số hộ làm nghề rất ít, việc quảng bá du lịch làng nghề gặp khó khăn".
Thêm cơ hội để làng nghề phát triển
Phát triển làng nghề chắc chắn sẽ không chỉ là bài toán về làm kinh tế với nghề truyền thống mà còn là bài toán về bảo tồn những giá trị văn hóa mà nghề truyền thống mang lại. Đã có những làng nghề mất nghề nhưng cũng đang có những làng nghề dần chuyển mình và tìm thấy thêm cơ hội, thêm sức bật cho sự phát triển nghề truyền thống thông qua những hoạt động quảng bá, giới thiệu văn hóa, trở thành điểm đến của du khách, đặc biệt là giới trẻ.
Ông Nguyễn Trung Thành - Phó Chủ tịch Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt - cho hay: "Sự phát triển ngoài sức tưởng tượng, lúc đầu tưởng là khách không nhiều nhưng mở ra thì rất đông, đặc biệt là giới trẻ".
Lượng du khách đứng xếp hàng mua vé tham quan bảo tàng gốm sứ Bát Tràng ngay đầu giờ chiều giữa cao điểm nắng nóng là minh chứng rõ nét cho việc "rất đông" mà ông Thành đề cập tới. Từ bất ngờ đến khơi dậy sự tò mò của du khách, đặc biệt là du khách trẻ, đã giúp bảo tàng gốm sứ giữa làng nghề truyền thống này trở thành một điểm đến hút khách. Tạo ra sự tương tác để du khách không chỉ nhìn, ngắm mà còn trải nghiệm cũng đang là cách để nghề truyền thống của làng nghề này gần hơn nhiều người.
Cũng theo ông Thành, lợi thế và cũng là điểm đặc biệt trong khai thác du lịch làng nghề chính là không phải đối mặt với bài toán tâm lý du lịch mùa vụ. Bởi với hoạt động sản xuất quanh năm không bị tác động hay ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết, chỉ cần đủ sức hút thì đông hay hè, du khách vẫn tìm về.
Hiện, do lượng du khách nước ngoài còn chiếm một tỷ lệ khá khiêm tốn, chỉ từ 5 - 10%, nên các hoạt động du lịch làng nghề này đang tiếp tục được chuyển đổi theo ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường quảng bá, mở rộng độ tiếp cận của du khách quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!