Từng công tác ở trường học, sau khi nghỉ hưu bà Nguyễn Thị Ngọc Thủy (ngụ quận 3, TP Hồ Chí Minh) tự tạo niềm vui cho mình bằng cách chọn một công việc chăm sóc người cao tuổi.
Tuy công việc có phần vất vả nhưng bà Thủy cho rằng đây là cách mình có thể tiếp tục gắn thể hiện giá trị lao động của mình, hơn hết nó là công việc có ý nghĩa tốt đẹp.
Bà Thủy chọn công việc hỗ trợ những người già neo đơn để tìm niềm vui khi đã nghỉ hưu.
"Lương hưu của mình giúp cho mình không nghĩ đến cơm áo gạo tiền và có thời gian giúp các cụ ông cụ bà. Mình không nghĩ mình sẽ chọn làm công việc này, vô tình mình đến công viên Lê Văn Tám thấy cụ ông bà về già buồn nên mình đến giúp chăm sóc ông bà. Người ta có thể thuê osin nhưng mình đến với tấm lòng", bà Thủy vui vẻ nói
Cũng giống như bà Thủy, ông Đức (62 tuổi), từ khi về hưu đến nay ông tham gia vào tổ dân phòng ở phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức). Công việc thường ngày của ông là quan sát tình hình trật tự và kiểm tra an ninh của khu phố.
Dù việc khá nhẹ nhàng nhưng thường chiếm hết thời gian cả ngày nên ông Đức sẽ sắp xếp ngày làm việc xen kẽ ngày để có thời gian nghỉ ngơi tốt.
"Lựa chọn làm dân phòng vừa là để có niềm vui tuổi già, vừa có thể giúp đỡ được cho bà con trong khu phố" ông Đức nói.
Tại các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, những người ngoài độ tuổi lao động không khó bắt gặp. Ngoài những trường hợp chủ động tìm kiếm việc làm sau khi về hưu để ‘đỡ buồn chân tay’, ra ngoài để có cơ hội tiếp xúc với môi trường xã hội thì cũng có rất nhiều người già đi làm vì mưu sinh, như trường hợp của vợ chồng ‘ông cá viên chiên’ (67 tuổi) tại góc đường Võ Thị Sáu – Hai Bà Trưng (quận 1).
''Ông cá viên chiên'' quen thuộc với người dân sống gần công viên Lê Văn Tám (quận 1).
Vì buôn bán ở ngoài đường phố đã gần 20 năm nên đến tuổi già, ông vẫn duy trì công việc vừa mưu sinh, vừa để làm vui. "Việc buôn bán không chỉ để kiếm tiền mà còn là niềm vui trong cuộc sống. Chỉ cần bán đắt hàng là tôi và vợ có một ngày vui".
Các nghiên cứu tâm lý xã hội đã cho thấy nhu cầu được tiếp tục làm việc là nhu cầu có thực của người già ở khắp nơi. Xu hướng này đã phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới đang có tốc độ già hóa dân số nhanh chóng và lan sang các quốc gia đang trong giai đoạn già hóa dân số, trong đó có cả Việt Nam.
Tại Việt Nam, số liệu của Tổng cục Thống kê trong năm 2023 cho thấy, tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam chiếm 11,9% dân số, tương đương với 11,4 triệu người và sẽ đạt 25% vào năm 2050. Vào năm 2019, kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở chỉ ra khoảng 30% nguồn sống của người cao tuổi là đến từ lao động của chính bản thân họ.
Ngoài các tác động do sự dịch chuyển lao động xã hội, ở góc độ tâm lý học, theo các chuyên gia, ở tuổi hưu người già vẫn có khát vọng giao tiếp, thể hiện qua việc "muốn đi làm" của họ, bất chấp một số chế độ, chính sách bị hạn chế lại.
Cô P.T.N.H, một giáo viên 58 tuổi ở TP Thủ Đức vẫn tiếp tục xin đi dạy học sau khi đã đến tuổi hưu. Bà chia sẻ, "vì trường thiếu giáo viên nên mình đi dạy, đảm nhận chủ nhiệm lớp luôn. Không còn các chế độ như hồi biên chế nhưng mình cũng giảm tải một số áp lực đánh giá thi đua so với các giáo viên khác".
Trong khi đó, ông P.T 63 tuổi, đang làm bảo vệ tại một chung cư trên đường Đồng Văn Cống, TP thủ Đức chia sẻ, "thu nhập được 4 triệu/ tháng nhưng không có chế độ bảo hiểm hay gì khác, chỉ ký hợp đồng thời vụ", nhưng ông cũng cảm thấy hài lòng.
Tại những chung cư gần nơi ông P.T đang làm bảo vệ, có đến 50% lực lượng nhân viên bảo vệ, an ninh, dịch vụ là những người ngoài độ tuổi lao động. Hầu hết những người đi làm ở tuổi nghỉ hưu đều khẳng định mình đủ sức khỏe, muốn đi làm và không muốn phụ thuộc con cháu.
Nhu cầu tìm lao động phổ thông, dịch vụ gia đình ngoài tuổi lao động ở các TP lớn gia tăng những năm gần đây, nhiều người nghỉ hưu muốn đi làm để không phụ thuộc con cháu.
Tỷ lệ những người ngoài độ tuổi tham gia và lực lượng lao động trong một số ngành nghề đặc thù, lĩnh vực dịch vụ và lao động tự do tại TP Hồ Chí Minh đang tăng lên đáng kể.
Điều này đã góp phần tạo ra sự chuyển dịch trong cơ cấu lao động của xã hội. Còn với những người cao tuổi này, nhiều người trong số họ xem việc đi làm chỉ để duy trì một thói quen, để tinh thần minh mẫn, cơ thể khỏe mạnh hơn. Một số lại mong rằng mình có thể đỡ đần phần nào được cho con cháu. Dù có vì lý do gì, thì những người cao tuổi này vẫn vui vẻ làm việc với phần sức lực của mình, và nhóm lao động cao tuổi này đang trở thành một lực lượng bổ sung mà ở các TP lớn nhu cầu vẫn đang còn cần đến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!