Trong kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Đáng chú ý, các đại biểu đã phân tích chỉ ra bạo lực đối với trẻ em xảy ra trong gia đình ít được phát hiện, xử lý. Bạo lực gồm cả đánh đập, xâm hại, tước đi quyền được sống được tồn tại của một đứa trẻ. Trẻ em cần được bảo vệ. Bởi khi nỗi đau cứ dai dẳng, hủy hoại tuổi thơ của một đứa trẻ, chuyện gì sẽ xảy ra?
Tự sát là hành vi thể hiện sự bất lực và bế tắc đến tận cùng trong cảm xúc và suy nghĩ. Chỉ nghĩ đến thôi cũng đủ bàng hoàng nhưng một cô gái lại lựa chọn nó để giải thoát cho bản thân bởi nghĩ rằng nếu chết đi, bố mẹ sẽ thấy việc học không quan trọng bằng việc em sẽ được sống, chết đi sẽ không phải đối mặt với cơn thịnh nộ từ bố mẹ nữa.
Kết thúc cuộc đời - đó cũng là cách mà Em Từ Thanh Thúy ở Cần Thơ xem là giải pháp để thoát khỏi thực tại. Thiếu đi tình yêu thương do mồ côi cha mẹ, từng bị hàng xóm xâm hại, bạn bè bắt nạt… dường như tất cả nỗi bất hạnh nhất của một đứa trẻ đổ dồn lên của cô bé vốn ở cái tuổi hồn nhiên, ngây thơ nhất của cuộc đời. Thúy từng bị trầm cảm, bất lực tới mức tự tử vài lần nhưng không thành.
Bỏ lại mọi thứ sau lưng, Thúy chấp nhận rời bỏ quê hương để đi đến vùng đất mới, nhưng dù đi đâu, em cũng đã luôn phải mang theo nỗi đau của mình. Theo Thúy, việc bị lạm dụng, bạo hành giống như quá khứ, bảo quên nhưng thực sự không thể nào quên được.
Những vết sẹo thể xác, những nỗi đau tinh thần cứ hàng ngày hàng giờ hiển hiện, nhắc nhở những đau đớn mà các em đã phải trải qua. Và có thể, một vòng của bạo lực, đau đớn lại vô tình tiếp nối một cách vô thức, xót xa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!