Hồ Chí Minh bắt đầu chiến dịch tiêm phòng COVID-19 đợt 5
Bắt đầu từ hôm nay (22/7), TP Hồ Chí Minh triển khai tiêm gần 1 triệu liều vaccine ngừa COVID- 19 đợt thứ 5 cho người dân. Trong đợt tiêm lần này, việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho người dân trong giai đoạn giãn cách xã hội được chính quyền TP ưu tiên hàng đầu. So với những lần trước, thời gian tiêm lần này dự kiến sẽ kéo dài gấp 2-3 lần để các đơn vị không phải chịu áp lực về thời gian, hoàn thành mục tiêu một cách an toàn và hiệu quả nhất.
Số vaccine TP Hồ Chí Minh được phân bổ trong đợt tiêm chủng thứ 5 này có 3 loại, đều đã được các tổ chức y tế trong nước và quốc tế đánh giá kỹ lưỡng, đều có tác dụng phòng chống dịch bệnh ở tỷ lệ khả quan. Vì thế, việc phân biệt hay so sánh chất lượng giữa các loại vaccine là hoàn toàn không có căn cứ và không cần thiết.
Đợt tiêm chủng thứ 5 này, TP Hồ Chí Minh được phân bổ hơn 930.000 liều vaccine, bao gồm 3 loại là Moderna (235.000 liều), Pfizer (gần 55.000 liều), số còn lại là Astrazeneca. Lãnh đạo TP yêu cầu các các Sở, ngành, quận, huyện, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và không nên nặng nề về việc tiêm loại vaccine nào. Ngành y tế sẽ tổ chức tiêm cho từng đối tượng với loại vaccine phù hợp theo lứa tuổi, thể trạng, khả năng thích ứng…
Điểm tiêm vaccine tại Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng (Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: TTXVN
Đợt tiêm lần này sẽ có nhiều thay đổi hơn so với đợt 4 vào cuối tháng 6 vừa qua là việc áp dụng phần mềm điều hành tiêm chủng, giúp hạn chế tập trung đông người, dễ dàng theo dõi tình hình sức khoẻ của các đối tượng sau tiêm chủng. Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ diễn ra tại 20 bệnh viện và 615 điểm tiêm trên toàn TP. Dự kiến, chiến dịch sẽ hoàn tất trong vòng 2 tuần, với công suất dự kiến 120 người/ngày tại mỗi điểm tiêm.
Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 trên toàn quốc đã được phát động và sẽ kéo dài đến hết quý I/2022, với mục tiêu 75% dân số Việt Nam được tiêm, tạo miễn dịch cộng đồng. Các địa phương đang sẵn sàng chuẩn bị mọi phương án để triển khai chiến dịch khi có vaccine về. Để có thể đáp ứng yêu cầu tiêm 200.000 mũi/ngày trong chiến dịch này, Hà Nội công bố phương án phân bổ vaccine. Theo đó, căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và nhà sản xuất, sẽ điều chỉnh độ tuổi tiêm chủng phù hợp theo từng thời điểm.
Phương án phân bổ vaccine tại Hà Nội
Trước mắt, khi nguồn vaccine chưa đủ, việc phân bổ cho các địa bàn theo thứ tự ưu tiên: Có ca F0 mới, nhiều khu công nghiệp, mật độ dân cư cao, nhiều điểm tập trung đông người, nhiều ngành nghề dịch vụ, nhiều trường học, giáp ranh tỉnh có dịch diễn biến phức tạp, cửa ngõ giao thông đi lại, có khu cách ly tập trung... Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tế, sẽ có điều chỉnh theo nguyên tắc ưu tiên cho đối tượng ở địa bàn đang có dịch.
Trong trường hợp tiếp nhận cùng lúc nhiều loại vaccine thì tiêm mũi 1 bằng loại vaccine nào thì tiêm mũi 2 bằng loại vaccine đó. Với người tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca, có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine Pfizer, khoảng cách từ 8-12 tuần.
Để đảm bảo công bằng, minh bạch, TP Hà Nội sẽ phân bổ chỉ 1 loại vaccine tại cùng thời điểm; Các đơn vị triển khai tiêm hết loại vaccine này mới chuyển sang loại vaccine khác nhưng phải dự trù đảm bảo tiêm đủ 2 mũi cùng loại cho 1 người. Tại mỗi điểm, chỉ tiêm 1 loại vaccine ở cùng thời điểm. Các quận/huyện chịu trách nhiệm phân bổ vaccine cho các điểm tiêm theo số lượng đã đăng ký.
Nỗ lực thúc đẩy vaccine trong nước
Trong nỗ lực thúc đẩy vaccine trong nước, Bộ Y tế luôn đồng hành và tạo điều tối đa cho vaccine Nano Covax được cấp phép lưu hành nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc của Tổ chức Y tế Thế giới và Luật Dược của Việt Nam. Đây là khẳng định của lãnh đạo Bộ Y tế tại cuộc họp giữa Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học và Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc với Công ty Nanogen về việc cấp phép khẩn cấp cho vaccine Nano Covax.
Báo cáo của công ty Nanogen về kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2 và 3 trên gần 1.400 tình nguyện cho thấy, vaccine Nano Covax đảm bảo tính an toàn, tính sinh miễn dịch. Nhưng khả năng trung hòa vẫn còn thiếu kết quả xét nghiệm tại một số phòng kiểm nghiệm tại nước ngoài.
Tại cuộc họp, ý kiến của một số nhà khoa học cho rằng với số lượng hơn 1.000 mẫu thì chưa đủ cơ sở khoa học để có thể xin cấp phép khẩn cấp. Việc cấp phép dựa vào 3 yếu tố: Cập nhật thiết kế, cấp phép có điều kiện và hậu cấp phép. Đồng thời cần tính toán phương án gửi một số mẫu ra các phòng thí nghiệm quốc tế để đảm bảo tính chuẩn mực, khách quan.
Trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp, một số chuyên gia cho rằng nên cân nhắc việc cấp phép trong thời điểm này để hỗ trợ phòngchống dịch. Vì vậy, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu công ty cần hoàn thiện các số liệu báo cáo để hai hội đồng có cơ sở để đánh giá và xem xét đầy đủ tính khoa học để trình với các cấp có thẩm quyền xin được cấp phép khẩn cấp trong thời gian sớm nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!