Xử lý ô nhiễm môi trường tại các cơ sở tái chế giấy ở Bắc Ninh

Anh Tuấn-Thứ sáu, ngày 11/10/2024 16:30 GMT+7

VTV.vn - Tại Phong Khê (tỉnh Bắc Ninh), hơn chục năm qua, hàng loạt cơ sở tái chế giấy phế liệu tồn tại, trở thành điểm đen về ô nhiễm môi trường, kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Lộ trình đóng cửa các nhà máy sản xuất, tái chế giấy nằm xen kẽ trong khu dân cư đã được đưa ra cụ thể trong Đề án tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường phường Phong Khê, giai đoạn 2022 - 2030.

Mới đây, ngày 2/10, Tỉnh ủy Bắc Ninh vừa ban hành Văn bản yêu cầu tăng cường xử lý; chỉ đạo kiên quyết đóng cửa các cơ sở sản xuất trong làng nghề và ngoài cụm công nghiệp trước ngày 31/12/2024.

Để tạo được sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình thực hiện, trước đó, UBND TP Bắc Ninh đã tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp sản xuất tái chế giấy ở phường Phong Khê.

Mở đầu buổi đối thoại, lãnh đạo TPố Bắc Ninh thông tin tính đến ngày 5/9 mới kiểm tra, xử lý vi phạm được 75 cơ sở trên tổng số 228 cơ sở trong khu dân cư. Trong đó một số doanh nghiệp chống đối đoàn kiểm tra.

"Tại sao chúng ta tự chặt chân mình như vậy. Chúng ta phải nên mắt nhắm, mắt mở cho dân phát triển. Tại sao bây giờ lại quá khắt khe với khí thải nước thải", ông Nguyễn Ôn Nguyên (Khu Châm Khê, phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh) nói.

"Đòi hỏi người nông dân làm như thế thì không làm được. Chúng tôi là người làng nghề, mang luật đấy về áp dụng rất thiệt thòi cho bà con", ông Nguyễn Văn Năng (Khu Đào Xá, phường Phong Khê, TP Bắc Ninh) nêu ý kiến

"Bóc tách làng nghề khác công nghiệp khác. Cả đất nước Việt Nam mình chỉ có mỗi làng giấy Phong Khê không có làng thứ 2", một chủ cơ sở sản xuất giấy nói.

Những lý do chỉ nghe đã thấy sự vô lý, nhưng lại được sử dụng để chứng minh cho sự tồn tại hợp lý của các nhà xưởng trái phép. Khi những vi phạm tồn tại không được tiếp tục tạo điều kiện, chủ doanh nghiệp sản xuất giấy cũng chẳng nói vòng vo.

Ông Trương Văn Sử (Công ty Giấy Hà Xuyên, Khu Dương Ổ, Phong Khê, TP Bắc Ninh) nói: "Mình nói sai phạm đó từ đâu gây nên…, xây dựng trạm điện bừa bãi, làm trạm biến áp… Chính quyền cho chúng tôi xây dựng thì chúng tôi mới làm được việc đó. Nếu cắt luôn từ ban đầu sao chúng tôi làm đến tận bây giờ".

"Không nhắc lại chuyện cũ. Chuyện cũ nó qua rồi. 3 năm trời, chúng tôi mới kiểm tra vài chục cơ sở, đến bây giờ mới đình chỉ 35 cơ sở. Trong khi vi phạm thì nhiều. Như vậy là chúng tôi quá nương nhẹ. Bây giờ là thời hạn cuối cùng phải xử lý", ông Nguyễn Mạnh Hiếu, Chủ tịch UBND TP Bắc Ninh, cho biết.

Trăm cái lý không bằng một tý cái tình. Nguy cơ vỡ nợ, phá sản của các chủ cơ sở khi đóng cửa doanh nghiệp sản xuất giấy cũng trở thành một lý do chính đáng để mong cầu nhận được sự cảm thông.

"Tất cả mọi người vay mượn anh em hàng xóm, láng giềng, thông gia. Nói chung người thân có cái gì đều vay để làm. Đóng cửa hết, dân chúng tôi nói thật rất xót xa", một chủ cơ sở sản xuất giấy nói.

"Nguyện vọng của chúng tôi vẫn là được sản xuất trong tỉnh. Xó xỉnh nào trong tỉnh cũng được, tránh xa ra, không ảnh hưởng đến thành phố", một chủ cơ sở sản xuất giấy khác nói.

"Thu cũng nhiều đấy. Tiền môi trường không nộp. Đứng trên 7 pháp luật về môi trường. Thu thế đủ rồi. Đã đến lúc chúng ta phải chấp hành quy định pháp luật", ông Nguyễn Mạnh Hiếu (Chủ tịch UBND TP Bắc Ninh) nhấn mạnh.

Sau hơn 3 giờ đồng hồ, cuộc đối thoại kết thúc khi thành phố vẫn kiên quyết đặt mục tiêu và chủ trương, từ nay đến cuối năm sẽ đóng cửa sản xuất đối với tất cả các cơ sở vi phạm, không phải chờ đến 31/12/2024 mới thực thi.

Xử lý ô nhiễm môi trường tại các cơ sở tái chế giấy ở Bắc Ninh - Ảnh 1.

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở hàng trăm các cơ sở tái chế giấy tại phường Phong Khê.

Chính sách của địa phương khi đóng cửa các nhà máy giấy trong khu dân cư

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở hàng trăm các cơ sở tái chế giấy tại phường Phong Khê là thực tế ai cũng nhìn thấy. Tuy nhiên, nhìn trước, nhìn sau, cũng không thể phủ nhận, hoạt động sản xuất này trong nhiều năm qua đã giải quyết công ăn việc làm, tạo ra nguồn thu nhập ổ định, làm giàu cho các hộ sản xuất. Vì vậy, người dân sẽ làm gì sau khi đóng cửa các nhà máy giấy trong khu dân cư ở phường Phong Khê? Vấn đề đảm bảo an sinh xã hội sẽ diễn ra thế nào cũng là một trong những vấn đề mà địa phương này quan tâm, cần giải pháp xử lý.

UBND TP Bắc Ninh đang đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ không quá 200 triệu đồng trên 1 hộ di dời; đồng thời giới thiệu địa điểm tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Kạn, Lào Cai đón nhận các cơ sở, doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục sản xuất.

Về vấn đề việc làm, an sinh xã hội, thành phố sẽ làm việc với Ban quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh giới thiệu việc làm cho gần 4.000 lao động đến các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp hoặc trên địa bàn thành phố làm việc với mức lương cam kết bằng hoặc hơn mức lương cũ làm việc tại các cơ sở sản xuất giấy.

Xử lý các cơ sở tái chế giấy: Có phải "trâu buộc ghét trâu ăn"?

Như vậy có thể thấy, địa phương cũng tích cực đưa ra biện pháp để đảm bảo cho đời sống người dân. Đóng cửa các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường là chủ trương đúng đắn và cũng là trách nhiệm và việc bắt buộc phải làm, nhưng cách xử lý thế nào để hài hòa lợi ích, nhận được sự đồng thuận của tất cả các chủ cơ sở mới là điều cần bàn đến. Vì xét cho cùng, mục tiêu cuối cùng của đề án bảo vệ môi trường là bảo vệ môi trường, chứ không phải là chấp nhận đánh đổi môi trường để lấy sự phát triển kinh tế.

Hơn 3 tháng nay, cơ sở sản xuất giấy của chị Hoa cùng 3 xưởng khác ở phường Phong Khê đã bị đóng cửa. Vì đoàn liên ngành kiểm tra phát hiện nhiều vi phạm. Lỗi nặng nhất là không có giấy phép môi trường. Vi phạm đã rõ nhưng quá trình xử lý mới là chuyện còn băn khoăn.

Chị Nguyễn Thị Hoa (Khu Châm Khê, phường Phong Khê, TP Bắc Ninh) cho biết: "Có 4 hộ chúng tôi phải nộp phạt 160 triệu đồng. Những hộ sau không bị. Đi xuống hỏi các sếp, các sếp bảo chúng tôi, 100 người không đội mũ bảo hiểm đi qua được, đến các cô thì bị bắt".

"Thật sự so với tất cả mọi người, mình không được công bằng. Không được báo trước gì, quá thiệt thòi về kinh tế. Trên dưới 10 tỷ ngân hàng mà không thu công nợ được gì. Không biết đi đâu về đâu", một chủ cơ sở sản xuất giấy ở phường Phong Khê cho hay.

Đúng như phản ánh, chỉ có 4 cơ sở đầu tiên bị đóng cửa phải nộp phạt 160 triệu đồng mỗi xưởng. Còn hàng chục cơ sở kiểm tra sau lại được lựa chọn tự đóng cửa và không phải nộp phạt, trong khi cùng chung lỗi vi phạm.

Chuyện cũ đã qua, nhưng chuyện gì đang diễn ra vẫn phải nhắc đến. Nhất là khi hiện toàn phường Phong Khê, ngoài 137 cơ sở sản xuất tại 2 cụm công nghiệp, vẫn còn hơn 130 đang hoạt động trong khu dân cư, hàng ngày vẫn xả thải ra bên ngoài.

"Không bao giờ có việc ưu ái giữa các cơ sở sản xuất với nhau. Cơ sở nào làm không tốt thì phải làm trước", ông Nguyễn Hà (Bí thư Đảng ủy Phường Phong Khê, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) nhận định.

"Số lượng cơ sở rất là lớn. Đó là một giải pháp phù hợp với thực tế. Những cơ sở nào gây ô nhiễm môi trường nhất, ô nhiễm nhiều hơn thì xử lý trước tiên", bà Nguyễn Thị Hồng Linh (Phó Phòng Tài nguyên Môi trường TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) thông tin.

Những mâu thuẫn không đáng có, nhưng bất ngờ lại nảy sinh. Đơn giản chỉ vì không ai muốn xưởng mình bị đóng cửa trước, lại mang thêm tiếng xấu, do không phải lúc nào "trâu buộc" cũng "ghét trâu ăn".

Tồn tại trong công tác quản lý nước thải tại các cơ sở sản xuất giấy

Chuyện so bì, tị nạnh vì thời điểm xử lý trước hay sau là điều không tránh khỏi, từ đó đặt ra thách thức trong việc kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất tại địa phương, làm sao vừa đảm bảo công bằng, vừa minh bạch, lại hài hòa giữa các cơ sở vi phạm. Đặc biệt, ngành công nghiệp tái chế giấy được đánh giá là một trong những loại hình tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Trong khi ngoài các cơ sở trong khu dân cư, hiện vẫn có hơn 100 doanh nghiệp đang hoạt động tại cụm công nghiệp Phong Khê 1 và Phong Khê 2.

Sông Ngũ Huyện Khê những ngày tháng 8, hiện tượng cá chết bất ngờ xảy ra, nổi trắng cả một khúc sông.

"Cá chết chúng tôi có nắm được và đang đẩy nhanh tiến độ giải quyết ô nhiễm môi trường nhằm tránh xảy ra hiện tượng tương tự", bà Nguyễn Thị Hồng Linh (Phó Phòng Tài nguyên Môi trường TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) cho biết.

Xử lý ô nhiễm môi trường tại các cơ sở tái chế giấy ở Bắc Ninh - Ảnh 2.

Ngành công nghiệp tái chế giấy được đánh giá là một trong những loại hình tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

"Cứ bao giờ nước thải là cá chết. Không xả thải thì cá không bao giờ chết được. Chỉ có xả nhiều chết nhiều, xả ít chết ít. Ở các nhà máy xả ra, đen sì, đen như nước điếu", một người dân chia sẻ.

Mọi chuyện chỉ là phỏng đoán nhưng dựa trên những gì nhìn thấy, cánh đồng nằm sát cạnh Cụm công nghiệp Phong Khê 2 quanh năm chìm trong nước thải. Theo kênh đào này, nước đen sẽ được chảy ra trạm bơm rồi công ty thủy lợi sẽ vận hành bơm thẳng sang sông. Một quy trình xả thải bẩn khép kín cứ thế diễn ra từ năm này qua năm khác.

"Tình trạng này diễn ra nhiều năm. Công ty năm nào cũng có báo cáo thực tế để các cấp, các ngành, các địa phương ngăn chặn xả nước thải chưa qua xử lý vào công trình thủy lợi", ông Nguyễn Như Tuấn (Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống) cho biết.

Hiện cụm công nghiệp Phong Khê 2 có hơn 50 doanh nghiệp tái chế giấy đang hoạt động nhưng đều là các cơ sở quy mô lớn. Dù cụm công nghiệp mới bố trí nhà máy xử lý nước thải sơ bộ, nhưng sự tồn tại của nó cũng chỉ mang tính chất đối phó. Vì ngay bên ngoài nơi xử lý, nước thải đang bủa vây. Bằng một cách lạ kỳ nào đó, dòng nước đen kịt từ khu ao rộng lớn lại hiện diện ở bên sông rồi xối xả chảy ra.

"Trách nhiệm việc quản lý nước thải thuộc về nhà máy. Địa phương cũng có trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động; kịp thời báo cáo cơ quan chức năng để xem xét xử lý việc này tại thời điểm phát hiện. Trách nhiệm của chính quyền địa phương có trong việc này là chính", ông Nguyễn Hà (Bí thư Đảng ủy phường Phong Khê, TP Bắc Ninh) cho hay.

Khi các cơ sở sản xuất trong làng nghề bị đóng cửa vào cuối năm nay, theo lộ trình, hơn 100 doanh nghiệp trong 2 cụm công nghiệp Phong Khê 1 và Phong Khê 2 vẫn được ung dung hoạt động đến ngày 31/12/2029, nghĩa là còn 5 năm. Với từng ấy thời gian, nếu không được kiểm soát, ô nhiễm chưa chấm dứt, mà vẫn kéo dài, chỉ là theo một cách khác.

Ô nhiễm môi trường tại các cơ sở tái chế giấy: Vì sao vẫn loay hoay giải quyết? Ô nhiễm môi trường tại các cơ sở tái chế giấy: Vì sao vẫn loay hoay giải quyết?

VTV.vn - Tình trạng ô nhiễm môi trường tại Phong Khê, TP Bắc Ninh vì các doanh nghiệp tái chế giấy vẫn luôn là câu chuyện nhức nhối.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước