Ví như củ cà rốt, nếu bán cho thương lái, nông dân chỉ bán được những củ loại 1 tươi ngon. Những củ cong vẹo hoặc nhỏ sẽ bị loại hoặc được coi là hàng dạt, bán với giá rẻ. Tuy nhiên, với nhà máy, loại tươi ngon có thể xuất khẩu tươi sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Loại xấu hơn được chế biến thành cà rốt sấy, cà rốt đông lạnh; loại nhỏ hơn thì làm nước ép… Thậm chí, vỏ cà rốt, sau khi nạo ra còn được xử lý làm phân bón hữu cơ để bón cho ruộng đồng.
Mỗi năm, trên 2 triệu ha đất, nông dân Việt Nam sản xuất được khoảng 26 triệu tấn rau củ quả. Tuy nhiên, lượng rau củ quả chế biến mới chỉ đạt khoảng 1 triệu tấn. 25 triệu tấn còn lại đành phải bán tươi hoặc xuất khẩu thô.
Với việc đầu tư cho các nhà máy chế biến sâu, tỷ lệ nông sản chế biến của Việt Nam có thể tăng nhanh trong 1 - 2 năm tới. Điều này sẽ giúp nông dân tăng thu nhập và nâng cao giá trị nông sản.
Năm 2019 là dấu mốc quan trọng của vùng nông nghiệp trọng điểm Tây Nguyên. Lần đầu tiên, một nhà máy chế biến nông sản quy mô và hiện đại được xây dựng.
Với công nghệ chế biến của Italy, Nhà máy Doveco Gia Lai có tỷ lệ tự động hóa đạt 100%. Mỗi năm nhà máy có thể tiêu thụ từ 350.000 - 500.000 tấn rau quả các loại, tạo ra 52.000 tấn sản phẩm/năm.
Bằng hỗ trợ vốn, cây giống và cam kết thu mua, DN đã tạo mối liên kết sản xuất theo chuỗi cho hàng loạt nông sản với diện tích lên đến 13.000 ha. Riêng chanh leo là hơn 1.000 ha.
Còn tại tỉnh Tây Ninh, nhà máy Tanifood đã mở ra cơ hội tạo vùng nguyên liệu hơn 10.000 ha. Người dân ví von nhà máy và nông dân như đũa có đôi. Ở đó, những người nông dân tự tin sống với nông nghiệp và làm giàu bằng nông nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!