Thủ tướng thừa nhận thực thi pháp luật về môi trường chưa nghiêm

Trung Kiên, Quang Hiệu (Ban Thời sự)-Thứ sáu, ngày 29/07/2016 14:17 GMT+7

VTV.vn - Báo cáo của Thủ tướng nhiều lần nhắc đến sự cố môi trường biển nghiêm trọng do Formosa Hà Tĩnh gây ra và thừa nhận việc thực thi pháp luật về môi trường chưa nghiêm.

Sáng nay (29/7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và giải pháp từ nay đến cuối năm 2016. Không đề cập lại đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế cụ thể cho năm nay, song Thủ tướng khẳng định cam kết trước Quốc hội là Chính phủ sẽ nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm nay.

Trong Báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ đang quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước Quốc hội và nhân dân cả nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu lên một loạt những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt, trong đó đầu tiên là nợ công, bội chi ngân sách tiếp tục tăng cao.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ ra một loạt những yếu kém của khu vực doanh nghiệp nhà nước: Số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa trong 6 tháng mới bằng 71%, thoái vốn nhà nước bằng 11,6% so với cùng kỳ. Cùng với đó, hạn hán, xâm nhập mặn và sự cố môi trường biển đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất, đời sống và môi trường.

Trong Báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhiều lần nhắc đến sự cố môi trường biển nghiêm trọng do Dự án Formosa Hà Tĩnh gây ra, đồng thời thẳng thắn thừa nhận việc thực thi pháp luật về môi trường chưa nghiêm; đánh giá tác động môi trường khi cấp phép dự án đầu tư còn hình thức, giám sát thực hiện còn nhiều yếu kém; phát hiện, xử lý vi phạm chưa kịp thời. Từ đó, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ chủ động hơn trong bảo vệ môi trường và tăng cường quản lý tài nguyên.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định với Quốc hội và nhân dân cả nước là Chính phủ sẽ kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo và lợi ích quốc gia; theo dõi sát tình hình Biển Đông, chủ động có những giải pháp phù hợp, yêu cầu các bên tôn trọng tiến trình ngoại giao, pháp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước