Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã trở thành hiệp định thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam có các quy định liên quan đến lao động và công đoàn. Điều này đồng nghĩa với việc TPP không chỉ áp dụng cho hàng hóa mà còn bao trùm cả những người sản xuất ra hàng hóa đó. Đây cũng chính là lý do mà chương 19 trong TPP đã giành được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đàm phán, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và nhiều hãng thông tấn báo chí trên thế giới.
Quy định về lao động đã được nêu rõ trong chương 19 của hiệp định TPP, gồm 15 điều. Theo đó, các quốc gia thành viên cam kết thực thi nghĩa vụ là thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và các nghĩa vụ được nêu trong tuyên bố của ILO năm 1998. Các quyền được khẳng định trong tuyên bố gồm: quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và sử dụng lao động, xóa bỏ lao động cưỡng bức, cấm sử dụng lao động trẻ em, xóa bỏ phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp… Việc vi phạm các cam kết về lao động có thể bị áp dụng chế tài thương mại.
Các nội dung liên quan đến quyền công đoàn không xuất hiện trong chương 19 của TPP mà nằm trong bản kế hoạch đẩy mạnh quan hệ thương mại và lao động. Bản kế hoạch này được coi như một hiệp định biên của TPP mà Hoa Kỳ yêu cầu ký với các đối tác. Theo đó, 5 nguyên tắc về quyền công đoàn với Việt Nam trong TPP gồm: quyền tự do tham gia công đoàn của công nhân, quyền tự quản của công đoàn, tự chủ trong việc nhận đại diện của công đoàn trong các đơn vị không có công đoàn, cán bộ công đoàn được lựa chọn mang tính đại diện, ngăn chặn giới chủ can thiệp vào hoạt động của công đoàn. Hoa Kỳ là thành viên duy nhất thuộc nhóm nước phát triển đưa ra kế hoạch và yêu cầu cụ thể trong hợp tác về lao động và công đoàn với Việt Nam, Malaysia và Brunei.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc thực hiện chương 19 về lao động và công đoàn trong TPP khiến chi phí nhân công tăng lên, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư tại Việt Nam. Thậm chí, việc hình thành các tổ chức công đoàn độc lập với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có thể tạo ra sự “nhạy cảm” về mặt chính trị.
Để bàn luận sâu hơn về vấn đề này, chương trình Đối thoại chính sách đã mời tới trường quay ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.