Đi dọc đường làng Phú Mỹ, du khách sẽ gặp những bãi phơi thúng và người dân cặm cụi đang thực hiện những công đoạn cuối để hoàn thành những chiếc thúng khổng lồ: phủ phân bò, sau đó phủ thêm dầu rái để kết dính với nan, và khép kín các kẽ nan. Sau đó pha thêm nước lạnh, bóp ra cho nhuyễn.
Phân bò giúp chống thấm hiệu quả
Chính nguyên liệu phân bò lại giúp chống thấm hiệu quả cho những chiếc thuyền thúng của ngư dân như vậy. Không chỉ được ngư dân trong tỉnh mà nhiều tỉnh trong nước cũng đến mua thúng chai làng Phú Mỹ.
Tại làng Phú Mỹ, hiện có hơn 20 hộ dân duy trì nghề đan thúng chai. Để hoàn thành 1 chiếc thúng phải mất cả tuần với nhiều công đoạn khác nhau. Khó nhất và cần nhiều sức lực nhất là khâu lận thúng, người thợ phải kéo, chỉnh mê cho đều. Chính những chiếc hố đất này và sự tinh tường của người thợ sẽ quyết định đến chất lượng chiếc thúng.
Thúng có đường kính lên đến 2m
Thúng sẽ được chỉnh trong hố đất khoảng 1 ngày thì lấy ra. Những chiếc thúng được tạo hình trong hố đất đã làm nên sự độc đáo cho làng nghề. Và nhiều du khách tìm đến đây bởi sự độc đáo này.
Làng nghề đan thúng chai Phú Mỹ, bây giờ, không chỉ là nơi cung cấp phương tiện đi biển cho ngư dân. Người dân nơi đây, giờ đã quen với việc giới thiệu cho du khách về làng nghề của mình. Phú Mỹ trở thành nơi giữ gìn và quảng bá nghề truyền thống của vùng đất Phú Yên đến du khách trong và ngoài nước.
Không ngày nào, làng nghề Phú Mỹ vắng bóng những đoàn khách đến tham quan. Những vị khách đến từ Châu Âu xa xôi không thể hình dung: chiếc thúng to như thế này được làm ra bằng cách nào, cho đến khi họ được nhìn thấy tận mắt và tìm hiểu về cuộc sống và nghề truyền thống của người dân ở đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!