Thị trường đồ ăn, uống ra đời một xu hướng mới, đó là "bếp trên mây". Không bàn ghế, không thực khách ngồi lại ăn uống, nhiều bếp ghép lại cùng nhau trong cùng một khu vực, bán hàng trên các mạng xã hội, ứng dụng giao nhận đồ ăn... Đây là một trong những cách mà các nhà hàng thích nghi với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Ngay trong những ngày khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, anh Cường vẫn quyết định khởi nghiệp. Anh mở hiệu Bún chả Mây theo cách hoàn toàn mới. Không bàn ghế, không đón khách, anh chỉ bán qua các ứng dụng điện thoại như Grabfood, Now, Good...
Anh Cường là một trong nhiều người bắt đầu với xu hướng bếp trên mây. Nhiều bếp ghép lại cùng nhau trong cùng một khu vực, như ở đây có 8 bếp khác nhau bán đồ ăn online. Một bếp chung làm thức ăn cho rất nhiều người sẽ giảm được chi phí thuê cửa hàng, lại chung nhau phần giao hàng nên chi phí rẻ hơn. Nhờ vậy, vừa có thể bán hàng, lại vừa chống dịch hiệu quả.
Báo cáo Kinh tế Đông Nam Á dự báo, thị trường đặt và giao đồ ăn trực tuyến của Việt Nam năm 2024 là 302 triệu USD với khoảng hơn 10,5 triệu người dùng. Trên thế giới, mô hình bếp trên mây, còn được gọi là bếp ảo, đã phát triển rất mạnh ở nhiều nước.
Mô hình phát triển mạnh ở Châu á. Ở Indonesia có hơn 100 cửa hàng. Tại Singapore, một số tỷ phú trẻ tuổi cũng đầu tư vào bếp trên mây và mỗi ngày cung cấp 10 nghìn suất ăn.
Dịch COVID-19 đã khiến nhiều nhà hàng phải đóng cửa, dừng kinh doanh. Tuy nhiên, mô hình bếp trên mây lại giúp các nhà hàng có thể tồn tại trong đại dịch và thậm chí là đón trước tương lai. Mô hình này được dự báo trị giá 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!