Tại nhiều quốc gia, rác thải điện tử được xếp vào loại rác thải độc hại, cần xử lý theo một quy trình đặc biệt. Các phong trào thu gom, tái chế rác điện tử vì thế ngày càng được chú ý.
Đã thành lệ, mỗi sáng cuối tuần, căn nhà của mẹ con Tulpule lại trở thành điểm tập kết rác điện tử của cả khu phố. Máy tính hỏng, điện thoại cũ hay đầu chơi điện tử đã lỗi thời... Những điểm điểm tập kết rác điện tử như vậy được mở ra tự phát tại Dubai nhưng nhanh chóng nhận sự hưởng ứng của cộng đồng khi một lượng lớn rác điện tử đang tồn tại trong các hộ gia đình.
"Năm 2019, chúng tôi gom được 20 tấn rác thải điện tử. Đến năm 2020, vì COVID-19, chỉ trong 10 ngày, chúng tôi cũng gom được hơn 2 nghìn thiết bị điện tử bị vứt bỏ" - Riva Tulpule, tình nguyện viên phong trào thu gom rác điện tử Dubai, chia sẻ.
Trong số các các điện tử, nhiều thứ vốn "bỏ thì thương, vương thì tội". Có những thứ còn dùng được nhưng đã lỗi thời, coi như là hết giá trị. Tại Dubai, các hộ gia đình được khuyến khích không lưu cữu rác điện tử. Muốn vứt bỏ đồ điện tử mà cồng kềnh, có thể gọi công ty tái chế rác thải tới thu gom. Mọi thứ hoàn toàn miễn phí.
Dịch vụ tái chế rác thải điện tử miễn phí tại Dubai
Anh Davood Kunnil thuộc Công ty Tái chế rác điện tử Enviroserve, Dubai, cho biết: "Mỗi ngày chúng tôi đến được khoảng 10 khu dân cư. Rác thải điện tử sau đó phải đưa về thành phố công nghiệp Dubai. Ở đây, chúng được tháo gỡ, tách riêng kim loại, nhựa để tái chế".
Rác điện tử chứa nhiều kim loại và hóa chất độc hại, có thể ảnh hưởng tới nước và môi trường xung quanh. Việc tự ý thu gom, gỡ ra để bán sắt vụn dĩ nhiên là không được. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ vứt bỏ đồ điện tử của các công ty môi trường vẫn là chưa đủ.
"Nhiều khi trong điện thoại, laptop, người ta có những dữ liệu bí mật. Đồ không dùng nữa nhưng cũng lại ngần ngại, không dám vứt bỏ. Vậy là chúng tôi phải đến tận nơi hướng dẫn họ" - Deepali Tulpule, tình nguyện viên phong trào thu gom rác điện tử Dubai, chia sẻ.
Xã hội càng phát triển thì rác thải điện tử lại càng nhiều lên. Như tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, tính trung bình mỗi năm, 1 người thải ra tới 20 kg rác thải điện tử. Rác thải điện tử vì thế đang được xem như là nguồn rác thải chính mà Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đang phải đối mặt. Và đây cũng là một trong những trọng tâm của bài toán môi trường tại đất nước này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!