Cần câu trả lời dứt khoát cho cây trồng biến đổi gen

Trung Khánh-Thứ hai, ngày 24/03/2014 17:49 GMT+7

Cây trồng biến đổi gen có thể là câu trả lời cho hàng loạt vấn đề nan giải mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang gặp phải. Tuy nhiên, cây trồng biến đổi gen lại đang là chủ đề nhạy cảm, có nhiều ý kiến trái chiều và rất cần một câu trả lời dứt khoát.

Thực trạng cây ngô của Việt Nam

Một điều dễ thấy là sản lượng ngô trên các đồng ruộng Việt Nam ở mức khá thấp so với các nước trong khu vực (Philippines) và thế giới. Trên thực tế, người nông dân trồng ngô hầu hết là hòa vốn sau khi trừ các chi phí về cây giống, thuốc trừ sâu… Việc người nông dân tiếp tục trồng ngô là bởi không muốn bỏ phí đất canh tác.

Trước thực trạng này, hàng năm, Việt Nam cần 3 tỷ USD để nhập nhẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong đó chủ yếu là đậu tương và ngô. Để giảm sức ép nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tăng sản lượng nông nghiệp trong bối cảnh năng suất đã tới hạn, giảm lượng thuốc trừ sâu gây hại cho môi trường, sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, câu trả lời có thể là cây trồng biến đổi gen.

Hiện nay, Việt Nam đã nghiên cứu thành công các loại cây trồng như ngô kháng sâu, kháng thuốc trừ cỏ; đậu tương kháng sâu, kháng hạn; bông kháng sâu và chịu hạn. Tuy nhiên, tất cả nghiên cứu này đều chỉ nằm trong khu thực nghiệm.

Tính năng ưu việt của cây trồng biến đổi gen

Đại diện cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cây trồng biến đổi gen, ông Nguyễn Hồng Chính – Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Dekalb Việt Nam, đại diện cho tập đoàn Monsanto tại Việt Nam cho biết: “Cây trồng biến đổi gen đã có lịch sử 20 năm, trở thành lựa chọn của nhiều quốc gia. Trong điều kiện giới hạn về đất đai, về nguồn lực, chúng ta đều mong muốn nâng cao năng suất cây trồng. Với cây trồng biến đổi gen, năng suất trên cùng một diện tích canh tác tăng từ 10-15%.

Về bản chất, cây trồng biến đổi gen được chuyển vào một hay một số gen có mục tiêu mong muốn là gen kháng sâu và gen kháng thuốc trừ cỏ, giúp nông dân kiểm soát sâu hay thuốc trừ cỏ triệt để hơn. Qua kỹ thuật canh tác kèm theo gen đó, năng suất cây trồng biến đổi gen được tăng cao”.

Bổ sung cho tính năng vượt trội của cây trồng biến đổi gen, PGS TS Nông Văn Hải - Viện trưởng Viện nghiên cứu hệ gen nói thêm: “Gọi cây trồng biến đổi gen nghĩa là người ta có thể chuyển vào tính trạng ưu việt của cây trồng mà người ta mong muốn. Cây trồng biến đổi gen còn có thể chống chịu hạn hán, ngập úng, ngập mặn”.

Người đại diện cho Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam còn nhấn mạnh, tính đến thời điểm hiện tại, chưa phát hiện ra bằng chứng cây trồng biến đổi gen đem lại rủi ro trong quá trình trồng trọt và đưa vào sử dụng: “Cây trồng biến đổi gen là sản phẩm công nghệ cao, công nghệ mới. Ngoài tiến bộ về khoa học công nghệ đem lại chất lượng cao, năng suất cao, cây trồng biến đổi gen còn tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ nhất định. Những nghiên cứu về cây trồng biến đổi gen mang nguy cơ sức khỏe, môi trường và đa dạng sinh học của các nhóm nghiên cứu trên thế giới trong đó có Mỹ, châu Âu đều chưa phát hiện ra bằng chứng về mặt khoa học nào về rủi ro gây hại của cây trồng biến đổi gen”.

Những thử nghiệm cây trồng biến đổi gen ở Việt Nam đã đem lại hiệu quả và dù mang lại kết quả khả quan nhưng chúng ta vẫn còn hết sức thận trọng trong vấn đề cho phép trồng đại trà trên diện rộng. Giải thích về sự chậm trễ này, PGS TS Nông Văn Hải cho biết: “Khảo nghiệm cho một vụ là khá dài, nhiều loại khảo nghiệm, trong nhiều vụ, trên diện rộng, diện hẹp… Đây là vấn đề mới lại khá nhạy cảm nên những bước triển khai còn chậm là điều dễ hiểu. Quy trình đang diễn ra theo đúng quy định nhưng theo tôi, có thể đẩy nhanh tốc độ khi chúng ta học hỏi kinh nghiệm một số nước đi trước”.

Cần một câu trả lời dứt khoát

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ KHCN, Bộ NN&PTNT, thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, Bộ NN&PTNT đã hoàn thiện về mặt pháp lý về an toàn sinh học đối với cây trồng biến đổi gen để làm căn cứ đưa vào sản xuất. Và sau khi được Chính phủ cho phép, Bộ NN&PTNT đã khảo nghiệm 5 giống ngô biến đổi gen. Quá trình khảo nghiệm hoàn tất và Bộ NN&PTNT đã cấp quyết định công nhận kết quả khảo nghiệm tại Việt Nam.

Nói về việc cho phép nhập khẩu sản phẩm biến đổi gen nhưng lại chưa cho phép trồng cây trồng biến đổi gen, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy cho rằng Việt Nam còn thiếu hành lang pháp lý về vấn đề này. Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính sẽ phối hợp để đưa ra quy trình cho việc cấp phép cho doanh nghiệp về lĩnh vực cây trồng biến đổi gen. Theo Vụ trưởng Vụ KHCN, Bộ NN&PTNT, muốn được canh tác đại trà, doanh nghiệp cần giấy chứng nhận an toàn sinh học và giấy xác nhận đủ điều kiện thực phẩm làm thức ăn chăn nuôi (theo Thông tư 08 của Bộ TNMT).

Hiện Việt Nam đã sang bước thứ 4 (trên 5 bước) để đưa cây trồng biến đổi gen áp dụng vào thực tế và để trồng đại trà trên diện rộng, giải quyết hàng loạt vấn đề nan giải của nông nghiệp vào năm 2015. Dẫu biết đây là vấn đề nhạy cảm và còn rất nhiều ý kiến trái chiều nhưng chúng ta không thể né tránh. Chúng ta cần những cuộc đối thoại mở, những cuộc đối thoại có sự tham gia của đông đảo công chúng. Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách, người nông dân và người tiêu dùng cần có đầy đủ thông tin đa chiều mà trong đó, truyền thông đóng vai trò quan trọng.

Thực phẩm biến đổi gen hay cây trồng biến đổi gen là vấn đề lớn của hàng triệu nông dân và người tiêu dùng. Việc coi đây là vấn đề nhạy cảm hay có nhiều ý kiến trái chiều cũng là điều bình thường. Vấn đề chỉ trở nên bất thường khi chúng ta trì hoãn quá trình thảo luận để đưa ra quyết định cuối cùng.

Để hiểu rõ hơn nữa về vấn đề cây trồng biến đổi gen, những câu chuyện về quá trình thử nghiệm tại Việt Nam hay những ý kiến trái chiều về vấn đề nhạy cảm nhưng có tầm ảnh hưởng lớn tới người nông dân và người tiêu dùng, mời quý độc giả theo dõi chương trình Đối thoại chính sách qua video dưới đây:

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước