Cung ứng đủ điện cho đất nước, đảm bảo tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành các dự án nguồn và lưới điện theo đúng kế hoạch là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu và nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, mới đây Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thông qua Nghị quyết số 632/NQ-HĐTV. Trong đó chủ đề của năm 2021 là chuyển đổi số với việc tích hợp công nghệ số và mô hình quản trị phù hợp với quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn.
Hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng trong công tác cổ phần hóa
Trong 10 năm qua (2010 – 2020), EVN đã hoàn thành cổ phần hoá và chuyển thành công ty cổ phần được 32 đơn vị (bao gồm: 8 công ty phát điện, 01 công ty phân phối điện và 23 công ty, đơn vị thuộc khối phụ trợ). Qua đó, có tác động tích cực tới công tác quản trị, điều hành và tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, EVN cũng hoàn thành thoái vốn tại các doanh nghiệp không liên quan đến lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính hoặc lĩnh vực nhà nước không cần nắm chi phối; đảm bảo Tập đoàn Điện lực Việt Nam có cơ cấu hợp lý, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điện.
Việc đưa thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vào vận hành từ năm 2012 là bước phát triển quan trọng của ngành Điện Việt Nam, giúp hệ thống điện và thị trường điện được vận hành an toàn, ổn định. Nếu như năm 2012 mới chỉ có 32 nhà máy với tổng công suất 9.200 MW tham gia thị trường phát điện cạnh tranh thì đến cuối năm 2020 đã có 99 nhà máy điện trực tiếp tham gia cạnh tranh trên thị trường với tổng công suất khoảng 27.000 MW.
Đến năm 2016, thị trường bán buôn điện cạnh tranh được đưa vào thí điểm và vận hành chính thức từ năm 2019; hướng tới mục tiêu vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh từ năm 2021. Thành công của thị trường phát điện cạnh tranh và bước đầu thị trường bán buôn điện cạnh tranh chính thức tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ độc quyền như phát điện, kinh doanh bán lẻ điện… Cùng với đó, giá khâu phát điện, mua buôn điện được xác định theo cơ chế thị trường, phản ánh cân bằng cung cầu điện tại các thời điểm, phản ánh biến động của các chi phí nhiên liệu đầu vào...
Chú trọng đổi mới sáng tạo
Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân chủ trì cuộc họp trực tuyến về rà soát Kế hoạch chuyển đổi số, ngày 16/12
Thực tế cho thấy, những năm qua, EVN đã ứng dụng mạnh mẽ, đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin, phục vụ hiệu quả công tác quản lý cũng như trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. Nhờ đó, mang tới nhiều lợi ích cho khách hàng sử dụng điện và góp phần xây dựng nền kinh tế số.
Trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đến giữa tháng 10.2020, có khoảng 1.900 loại thủ tục trực tuyến được phục vụ với tổng số 493.000 bộ hồ sơ dịch vụ trực tuyến được thực hiện qua Cổng. Ngoài website chăm sóc khách hàng, ngay cả khi đang lướt Facebook, dùng Zalo, khách hàng cũng có thể yêu cầu dịch vụ điện, tra cứu, thanh toán tiền điện...
Trong thời gian tới, EVN đặt mục tiêu trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh bền vững, hiệu quả và có lãi; bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại EVN và vốn của EVN đầu tư vào các doanh nghiệp khác; giữ vai trò trung tâm để phát triển Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam; có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao; sản xuất, kinh doanh điện năng, tư vấn điện là ngành, nghề kinh doanh chính; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, kinh doanh với KHCN, nghiên cứu triển khai, đào tạo; làm nòng cốt để ngành Điện lực Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả; tối đa hoá hiệu quả hoạt động của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam.
Để thực hiện được mục tiêu nói trên, một trong các định hướng phát triển của Tập đoàn là Nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ của cuộc CMCN 4.0. Phát triển các hệ thống điều độ tiên tiến, ứng dụng rộng rãi công nghệ lưới điện thông minh. Phấn đấu sau năm 2020, 100% các trạm biến áp 110kV và sau năm 2025 có 100% trạm 220kV được điều khiển xa và không người trực vận hành. Sau năm 2020 phát triển được 01 tổ chức khoa học công nghệ, với 1-2 phòng thí nghiệm. Sau năm 2025, cơ sở vật chất phòng thí nghiệm, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu ứng dụng các lĩnh vực thuộc chuyên ngành điện đạt mức tiên tiến, ngang tầm với các nước đang phát triển trong khu vực.
Với ý thức, niềm tự hào về lịch sử và thành tựu của ngành Điện lực cách mạng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết tâm phấn đấu, phát huy truyền thống 66 năm, vượt qua mọi khó khăn thách thức, tiếp tục đưa Tập đoàn phát triển vững mạnh toàn diện, giữ vững vai trò đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phồn vinh của đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!