Đầu tư vào nông nghiệp thường gặp nhiều rủi ro, nhất là khi tại Việt Nam, canh tác nông nghiệp còn phụ thuộc vào thời tiết, môi trường và thị trường. Những doanh nhân kiên trì với lĩnh vực này không nhiều, nhất là khi gắn với câu chuyện mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân.
Với cây chanh leo tím, không phải ngẫu nhiên mà bà con nông dân gọi đây là cây tiền mặt. Tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong - một địa bàn vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của tỉnh Nghệ An, cây chanh leo đã trở thành nguồn sống của nhiều gia đình.
Từ cuối năm 2010, xã Tri Lễ đã dùng 2 ha tại bốn bản để trồng thử nghiệm loại cây chanh leo. Đến năm 2013, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết số 06-NQĐU về phát triển cây chanh leo giai đoạn 2013 – 2020, với diện tích quy hoạch là 560 ha. Từ một xã nghèo, cuộc sống của người dân nơi đây nhờ cây chanh leo đã có nhiều thay đổi, thậm chí nhiều hộ đã thoát nghèo.
Trước đây, chanh leo chỉ được trồng ở Nam Mỹ, nhưng thuộc loại chanh leo vàng. Đài Loan đã nghiên cứu ra giống chanh leo tím tự thụ phấn, quả ngọt hơn, cây khỏe hơn và cho năng suất gấp đôi so với chanh leo vàng, nên doanh nghiệp Nafoods của ông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhập giống này về trồng.
Hiện tại, thị trường xuất khẩu sản phẩm chanh leo chính của công ty Nafoods là châu Âu với sản phẩm nước chanh leo cô đặc. Sản phẩm này cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu của công ty. Nafoods là nhà xuất khẩu nước cây chanh leo cô đặc lớn nhất châu Á vào châu Âu, chiếm 7% tổng sản lượng nước chanh leo cô đặc của toàn thế giới.
Nhìn lại quãng đường nhiều năm gắn với các sản phẩm nông nghiệp, ông Hùng cho rằng, ngành nông nghiệp phải làm theo chuỗi từ giống - vùng nguyên liệu - nhà máy - xuất khẩu - tiêu dùng và phải đạt đến trình chuyên môn hóa cao nhất. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là giống có lợi thế cạnh tranh.
Cùng lắng nghe câu chuyện của ông Nguyễn Mạnh Hùng về hành trình phát triển cây chanh leo tại Việt Nam trong chương trình Doanh nhân và Hội nhập tuần này qua video trên đây.