Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp hàng loạt thành phố của Ấn Độ vào Top những thành phố ô nhiễm nhất thế giới và New Delhi trở thành thành phố ô nhiễm nhất hành tinh. Đây là một hồi chuông báo động cho sự phát triển của Ấn Độ. Nhưng cũng chính tại Ấn Độ, những hình thức di chuyển thân thiện với môi trường như xe đạp hay đi bộ đang bị đẩy ra khỏi các đô thị. Câu chuyện sau đây sẽ cho thấy một bất cập lớn trong nỗ lực bảo vệ môi trường tại các đô thị đang phát triển.
Hàng sáng, anh Sushil Kumar phải rời nhà vào lúc 6 giờ để đạp xe đến nơi làm tại trung tâm thành phố Delhi. Chuyến đi trong khoảng thời gian 1 giờ 30 phút đầy nguy hiểm là cách duy nhất anh có thể đến chỗ làm.
‘ Nhiều người phản đối quy định cấm xe đạp để nhường đường cho ô tô tại Ấn Độ.
Với mức lương 100 USD/tháng để chu cấp cho một gia đình 4 người, anh Sushil không có đủ tiền để sử dụng dịch vụ giao thông công cộng.
Anh cho biết: “Gia đình rất lo lắng mỗi khi tôi đi làm. Họ luôn hi vọng không có điều gì không may xảy ra với tôi. Các con của tôi thường cầu trời khấn Phật bảo vệ tôi”.
Lượng ô tô tăng nhanh tại Ấn Độ buộc các nhà quy hoạch đô thị phải đặt ưu tiên cho phương tiện này. Khắp nơi trên đất nước, đường xá được mở rộng và các giao lộ trên cao được xây dựng nhằm đảm bảo tốc độ của dòng giao thông. Tuy nhiên, điều này khiến việc đi lại thêm phần nguy hiểm cho những người tham gia giao thông bằng những phương tiện chậm hơn như xe đạp. Riêng tại thủ đô Dehli, mỗi ngày, trung bình có đến 3 người đi bộ hoặc điều khiển xe đạp thiệt mạng trong các vụ tai nạn giao thông.
Tiến sĩ Dinesh Mohan - Chuyên gia giao thông, Học viện Công nghệ Delhi cho biết: “Ở các nước châu Âu, tốc độ tối đa trong các tuyến đường chính của thành phố là 50km/h. Còn tại Delhi, xe ô tô thường đi với tốc độ 60 - 70 km/h. Tốc độ này là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn chết người. Một nguyên nhân khác là thiết kế đường không phân luồng riêng cho xe đạp và người đi bộ”.
Tại Kolkata, chính quyền đã áp dụng giải pháp cấm xe đạp lưu thông trên các con đường chính. Và nhiều người phản đối cho rằng chính sách này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của những người nghèo sử dụng vào xe đạp làm phương tiện chính.
Bà Anumita Roychowdhury - Chuyên gia về phương tiện, Trung tâm Khoa học và Môi trường khuyến cáo: “Chúng ta cần sớm đưa ra kế hoạch hoạch hành động để bảo vệ những người sử dụng phương tiện sạch. Không khí thành phố đang trở nên quá ô nhiễm. Việc WHO mới đây đã xếp ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ung thư loại 1 khiến chúng ta càng phải cẩn thận”.
Thực tế hiện nay, những con đường dành riêng cho xe đạp hiếm hoi tại thủ đô Delhi thường xuyên bị phương tiện cơ giới xâm phạm. Do đó, nếu không bảo vệ được quyền của người đi xe đạp, ước mơ về một bầu không khí trong sạch tại New Delhi càng trở nên xa vời.
Mời các bạn theo dõi video chi tiết: