Ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn đang có dấu hiệu gia tăng khiến nhiều người dân lo lắng. Thực tế, tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tình trạng ô nhiễm không khí đang ở mức báo động. Theo thống kê, 70% nguồn ô nhiễm đó là do khí thải từ các phương tiện giao thông. Khí thải từ hàng triệu xe máy, hàng trăm nghìn xe ô tô mỗi ngày là nguồn gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Ngoài ra, các nhà máy, xí nghiệp, hoạt động đốt rác, rơm rạ cũng thải ra chất độc gây ô nhiễm không khí.
Theo bác sĩ Đinh Văn Lượng - Phó Giám đốc Trung tâm Ung thư Phổi Quốc gia, môi trường không khí ô nhiễm sẽ rất nguy hiểm nếu có các hạt bụi kích thước dưới 5µm vì những hạt này có thể vào sâu phế quản và lưu tại đó. Ô nhiễm môi trường tác động nhiều đến các bệnh lý đường hô hấp như bệnh nhiễm trùng hô hấp (ở cả trẻ nhỏ và người lớn), bệnh hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bác sĩ Đinh Văn Lượng cũng nhấn mạnh, ô nhiễm môi trường không khí chính là một trong những nguyên nhân gây nguy cơ ung thư phổi và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.
Hiện số lượng bệnh nhân đến khám các bệnh về đường hô hấp ngày càng tăng, một phần lý do là bởi tình trạng ô nhiễm không khí đang gia tăng
Ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Cục Môi trường - cho biết: "Hiện trong không khí ở Hà Nội đang tồn tại bụi PM2,5. Đây là loại bụi có đường kính động học ≤2,5µm, có khả năng đi sâu vào các phế nang phổi, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp của con người, thậm chí bụi này có thể gây ung thư phổi. Bụi này rất độc hại và có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp".
Bụi PM2,5 còn được gọi là bụi mịn. Các hạt bụi mịn có thể đi sâu vào đường hô hấp và tới phổi. Phơi nhiễm bụi mịn có thể gây những tác động tức thời như kích ứng mắt, mũi, họng và phổi, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, khó thở. Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu con người tiếp xúc nhiều với bụi mịn PM2,5 sẽ tăng khả năng bị các bệnh hô hấp và tim mạch. Phơi nhiễm lâu dài với bụi mịn cũng có thể tăng tỷ lệ viêm phế quản mạn tính, suy giảm chức năng phổi và tăng tỉ lệ tử vong do ung thư phổi và bệnh tim. Loại bụi này chủ yếu do các phương tiện giao thông hay các hoạt động sản xuất thải ra không khí.
Khi nói về những tác hại của bụi mịn và sự ảnh hưởng của ô nhiễm đến sức khỏe con người, bác sĩ Đinh Văn Lượng cho biết: "Có hai triệu chứng điển hình của bệnh lý đường hô hấp là ho và khó thở. Khi xuất hiện những dấu hiệu này, người bệnh cần lưu ý các triệu chứng, dù chỉ phát hiện ở mức độ nhẹ như khó thở khi gắng sức thì cũng cần phải đi khám. Nếu bệnh nhân ho hoặc khó thở dưới 2 tuần có thể là một bệnh lý cấp tính, còn nếu ho trên 2 tuần thì luôn phải cảnh giác với các bệnh lý mạn tính, cần đi khám phát hiện ngay".
"Để phòng bệnh hô hấp cần là tránh xa môi trường ô nhiễm, khi ra đường cần đeo khẩu trang, đeo kính để giảm bớt việc tiếp xúc với khói bụi ở môi trường".
Việc không khí tại các đô thị đang dần ô nhiễm nặng nề, tổn hại đến sức khỏe của người dân là điều đáng lo ngại. Mọi người dân nên có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế đốt rác, tắt động cơ xe khi không cần thiết để giảm thiểu ô nhiễm không khí.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!