Sách hay: "Làng văn hóa cổ truyền Việt Nam"

Cẩm Nhung-Chủ nhật, ngày 02/02/2014 06:49 GMT+7

Cuốn sách “Làng văn hóa cổ truyền Việt Nam” do Giáo sư Vũ Ngọc Khánh chủ biên là công trình nghiên cứu, khảo sát công phu của tập thể tác giả là các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa trên cả nước về thiết chế “Làng văn hóa” ở các khía cạnh nguồn gốc, sự ra đời, những nét văn hóa đặc trưng, phong tục, tín ngưỡng, tôn giáo, nghề truyền thống, con người.

Với người Việt Nam thì làng mang nhiều ý nghĩa là nơi chôn rau cắt rốn, nơi mà mỗi tìm về như mong tìm được chốn bình yên trong tâm hồn. Hàm chứa trong tiếng Làng giản dị đó là cả một bản sắc văn hóa của mỗi vùng đất, mà mỗi chúng ta đều muốn khám phá để hiểu hơn về những ngôi làng thân thương, với bao điều còn ẩn sâu trong đó.

Bất cứ người Việt nào cũng có và cần có một vùng quê để thương, để nhớ. Từ hàng ngàn năm qua, văn hóa làng chính là cái nôi, nuôi dưỡng tâm hồn Việt Nam, góp phần hun đúc nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Mặc dù không giới thiệu một cách đầy đủ toàn bộ làng Việt Nam, nhưng cuốn sách này cũng sẽ giúp chúng ta hiểu thêm những nét đặc sắc, đa dạng của văn hóa làng - cái gốc của văn hóa dân tộc.

Cuốn sách “Làng văn hóa cổ truyền Việt Nam” giới thiệu về hàng chục ngôi làng của nhiều vùng, miền trong cả nước ở miền xuôi, miền biển và bản làng miền núi. Do vị trí địa lý - khí hậu, mà ở mỗi làng xã, hay buôn làng lại có một nghề truyền thống cơ bản nuôi sống con người Việt Nam trong suốt mấy nghìn năm là nghề nông nghiệp lúa nước.

Văn hóa làng Việt truyền thống rõ nét nhất là văn hóa làng Việt Bắc Bộ. Đây là nơi bao đời nay cư dân Việt cư trú, lao động, sản xuất và tổ chức mọi sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt tinh thần. Có lẽ vì thế mà cuốn sách này dành nhiều bài viết về các ngôi làng ở Bắc Bộ, có những ngôi làng văn hiến, làng danh nhân, làng khoa bảng như: làng Đông Ngạc ở huyện Từ Liêm, Hà Nội; , làng Đại Áng, làng Châu Cầu ở tỉnh Hà Nam có dòng họ Bùi khoa bảng, hay làng Nếnh ở Bắc Giang...

Trong khi đó, có những ngôi làng từ xa xưa đã nổi danh vì có truyền thống Cách mạng vốn là căn cứ kháng chiến, con em trong làng đều đầu quân và lập nhiều công trạng trong các cuộc kháng chiến cứu quốc. Cuốn sách cũng nhắc tới những làng công giáo như ở tỉnh Hưng Yên. Có làng lấy lại cái tên cổ, phải tra cứu mới rõ. Lại cũng có làng nay đã mất hẳn tên gọi, đã trở thành phố xá nhộn nhịp.

Nếu miền Bắc có nhiều ngôi làng văn hiến thì khu vực Trung Bộ có những ngôi làng còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người Việt trong quá trình di cư vào phía Nam khai phá định cư, như làng biển Thuận An, làng chài Lý Hải của Quảng Ngãi - nay là xã Lý Hải đã ghi dấu lịch sử đấy tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Còn vùng núi thì có các làng ở Yên Bái. Mỗi làng văn hóa Có những làng vẫn duy trì được các nghề truyền thống, nhưng cũng có những làng đã đổi thay nhiều theo thời cuộc vì các nghề truyền thống không còn thị trường như trước.

Cuốn sách “Làng văn hóa cổ truyền Việt Nam” không chỉ nhắc lại bề dày truyền thống đáng tự hào của các ngôi làng truyền thống, mà còn cập nhật tới bạn đọc về diện mạo mới của những làng này.

Các bài viết trong cuốn sách này được thể hiện theo nhiều cách khác nhau. Có những bài viết không miêu tả hẳn một làng theo trật tự điển phạm quen thuộc, mà đi riêng vào một tập tục, từ đó mà nhận ra nét đặc sắc về làng. Hoặc cũng có bài viết lại khảo tả rất chi tiết như một tư liệu điều tra dân tộc học. Cách trình bày như vậy sẽ khiến cho bạn đọc không cảm thấy đơn điệu, nhàm chán khi đọc cuốn sách này.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước