Chủ sở hữu và cũng là đồng tác giả của mô hình này là nghệ sĩ thị giác Nguyễn Hồng Vỹ tại Hà Nội. Những tháng ngày giãn cách xã hội vì dịch COVID-19 đã trở nên thật ý nghĩa với dự án nghệ thuật cá nhân độc đáo này.
Mô hình này có chiều là 1,7 m, chiều rộng 60 cm. Nguyên liệu chế tạo mô hình này là nhựa mô hình kết hợp với gỗ. Tấm biển ghi tên nhà thầu của Pháp, có cả năm khởi công và khánh thành. Các thanh dầm gỗ được cắt không đều tay để tạo cảm giác như thật. Trụ cầu cũng được làm giả màu bê tông cũ, y hệt như ngoài đời thực.
Mô hình tái hiện một nhịp cầu Long Biên chỉ có một phiên bản duy nhất. Đây được đánh giá là mô hình tinh xảo nhất từ trước tới nay. Chân thực đến từng chi tiết, đó có lẽ là cảm nhận chung của nhiều người về ý tưởng mô hình cầu Long Biên thu nhỏ của nghệ sĩ thị giác Nguyễn Hồng Vỹ. Nhưng sự thú vị không chỉ dừng ở đó.
Để thực hiện cong nghệ 3D mapping (sử dụng máy chiếu, chiếu lên các vật thể để tạo hiệu ứng hình ảnh cho những vật thể đó) cho Cầu Long Biên thu nhỏ này, việc đầu tiên là phải tắt tất cả đèn trong studio và đóng tất cả cửa sổ lại. Bởi khi dùng máy chiếu, bất cứ luồng sáng nào khác không phải máy chiếu sẽ làm giảm hiệu quả mapping lên cây cầu. Ngoài ra, phần đồ họa thiết kế cho mapping cây cầu cũng phải đo đạc cẩn thận.
Nghệ thuật 3D mapping hay trình diễn nghệ thuật ánh sáng mới phổ biến tại Việt Nam vài năm trở lại đây. Nghệ sĩ thị giác Hồng Vỹ đã sáng tác rất nhiều tác phẩm trình diễn nghệ thuật thị giác như là 3D mapping và hologram (kỹ thuật toàn ảnh) cho các sự kiện lớn trên khắp Việt Nam và một số nước trong khu vực.
Mọi người vẫn cứ gọi vui về khoảng thời gian giãn cách xã hội vừa qua là để "sống chậm". Với các nghệ sĩ, đó thực sự là thời gian lý tưởng để được chiêm nghiệm và thực hiện nhiều dự án cá nhân. "Sống chậm" hơn nhưng không có nghĩa là không làm việc và hạnh phúc nhất là được làm việc với những đam mê của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!