Thay từ “cấm” bằng “không thừa nhận” hôn nhân đồng giới là một cuộc cách mạng

Khánh Nguyễn-Thứ sáu, ngày 29/11/2013 18:22 GMT+7

 Mặc dù chưa công nhận hôn nhân đồng giới nhưng việc Dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật hôn nhân và gia đình đã bỏ cụm từ “cấm hôn nhân đồng giới” và thay vào đó là “không thừa nhận” gây ngạc nhiên với toàn thế giới.

Dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật hôn nhân và gia đình đã bỏ cụm từ “cấm hôn nhân đồng giới” và thay vào đó là “không thừa nhận”. Mặc dù chưa công nhận hôn nhân đồng giới nhưng chỉ với sự thay đổi trên có thể coi là cả một bước tiến lớn của Việt Nam. Việc Việt Nam xem xét có thừa nhận hôn nhân đồng giới hay không thực sự gây ngạc nhiên không những ở Đông Nam Á mà còn cả trên thế giới. Chỉ có 5 nước đưa điều cấm trong vào luật Campuchia, Burundi, Uganda, Zimbabwe, Honduras. Việt Nam là nước thứ 6. Trong đó, Việt Nam là nước duy nhất ghi rõ Nhà nước không thừa nhận.

Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường khẳng định, chưa có quốc gia nào lại đưa vấn đề này chính thức lên bàn nghị sự: “Người ta không bao giờ nghĩ rằng một đất nước như Việt Nam lại đưa vấn đề này ra. Tôi có nói chuyện rất nhiều với những người hoạt động về quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT), họ nói Việt Nam dường như đang đi đầu trong vấn đề này không chỉ ở Đông Nam Á mà còn cả châu Á. Đây là bước tiến rất lớn của Việt Nam”.

Trong 5 năm qua, thay đổi xã hội rất lớn đặc biệt là nhờ báo chí, truyền thông. Trước đây, do chưa hiểu rõ, rất nhiều người tỏ thái độ kỳ thì và gắn mác cho người đồng tính. Tuy nhiên, thời gian gần đây, báo chí, truyền thông đã nói rất khách quan và thậm chí có những bài viết, phóng sự thấu hiểu với những khó khăn cũng như quyền của những người đồng tính. Từ đó, xã hội bắt đầu hiểu rõ hơn về vấn đề này.

“Khi người ta nói về vấn đề này nhiều hơn cũng là lúc đây không được coi là vấn đề nhạy cảm nữa. Dù có người phản đối, có người ủng hộ nhưng ít nhất thảo luận xã hội về vấn đề này đã xảy ra và quá trình tìm hiểu thông tin sẽ diễn ra và tôi tin là xã hội sẽ ngày càng ủng hộ nhanh hơn nữa”, ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm của ông Lê Quang Bình, anh Lương Thế Huy, đại diện cho cộng đồng LGBT chia sẻ cảm nghĩ của những người trong cuộc: “Việt Nam đang thực sự bắt kịp một xu thế tất yếu của thế giới. Mỗi khi chúng tôi nghe nói một quốc gia trên thế giới thừa nhận về hôn nhân đồng giới, cảm giác như họ vừa giành được một chiến thắng. Và bản thân tôi hay cộng đồng LGBT cũng cảm nhận chúng tôi đang ở hành trình đó – hành trình đi kiếm sự bình đẳng. Ít nhất, cộng đồng LGBT ở Việt Nam đã đặt bước chân đầu tiên trên hành trình đó và có đến đích hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố”.

Vậy đâu là những điểm mới trong Dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật hôn nhân và gia đình?

Theo ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, luật cũ chỉ có một điều duy nhất tuyên bố một cách cứng nhắc: Cấm hôn nhân đồng giới. Dự thảo lần này là một bước dài, bởi dự thảo này có nội dung. Dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật hôn nhân và gia đình sẽ có 5 điểm mới.

Thứ nhất, bỏ việc “cấm” mà chuyển thành cụm từ “Nhà nước không thừa nhận”. Nhiều người nói đây thực chất chỉ là một. Tuy nhiên, thực ra đây là cả một cuộc cách mạng, một sự thay đổi rất lớn về mặt nhận thức.

‘ Thứ hai, Nhà nước thừa nhận việc sống chung của LGBT, tức là không thừa nhận hôn nhân nhưng sống chung là quyền của LGBT và quyền được gọi nhau là vợ chồng.

Thứ ba, cấm sự kỳ thị, cấm sự can thiệp hành chính một cách thô bạo – đây là điều những người đồng tính rất quan tâm.

Thứ tư, luật quy định cả khi những người đồng tính không sống chung với nhau nữa thì việc phân chia tài sản, giải quyết hậu quả về mặt pháp lý như thế nào cũng đã được quy định rõ.

Nhận thức xã hội là một quá trình, các nhà làm luật tỏ ra thận trọng hơn với vấn đề hôn nhân đồng giới. Nhưng nếu nhìn ở góc độ xã hội, có hay không sự đồng thuận, có ít đi hay không sự kỳ thị, điều đó phụ thuộc vào chính cộng đồng những người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT). Việc những người làm luật ngày hôm nay đã đưa nội dung hôn nhân đồng giới vào dự thảo luật, đó cũng có thể coi là một bước tiến quan trọng trên con đường được pháp luật công nhận.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước