Tháo gỡ vướng mắc trong gói 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao

Đối thoại chính sách-Thứ bảy, ngày 13/05/2017 17:50 GMT+7

Ảnh minh họa.

VTV.vn - Làm thế nào để tháo gỡ vướng mắc trong gói 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao đang là bài toán đặt ra với các nhà quản lý, ngân hàng và cả doanh nghiệp.

Đầu tư cho nông nghiệp hiện nay có thể coi là loại đầu tư rủi ro. Sản xuất nông nghiệp tự phát không thể kiểm soát được khiến thị trường lên xuống thất thường. Muốn tăng hiệu quả và hạn chế rủi ro, chỉ có một cách - đó là đầu tư lớn. Theo đó, đầu tư lớn đồng nghĩa với việc phải đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Đó cũng là cách tiếp cận của Chính phủ khi công bố những gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao. Dĩ nhiên, lãi suất phải được ưu đãi hơn lãi suất thương mại thông thường.

Chính sách đã có, tuy nhiên để triển khai được cũng không dễ. Đã có nhiều vướng mắc từ cả phía ngân hàng và doanh nghiệp khiến việc giải ngân gói tín dụng này vẫn giậm chân tại chỗ.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như để tháo gỡ vướng mắc cho các ngân hàng thương mại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhanh chóng ban hành Bộ tiêu chí để xác định dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và dự án nông nghiệp sạch. Bộ tiêu chí này có thể coi là "cánh cửa" để doanh nghiệp có thể tiếp cận được gói 100.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 0,5% đến 1,5% so với lãi suất vay thông thường như chỉ đạo của ngành ngân hàng.

Tuy vậy, ngay cả khi đã có bộ tiêu chí này, các doanh nghiệp vẫn còn nhiều điểm băn khoăn. "Chúng tôi vẫn đang thắc mắc rằng có phải chỉ cần vào khu công nghệ cao là được tiêu chuẩn công nghệ cao hay không? Vào khu nông nghiệp công nghệ cao thì hoạt động của công ty được kiểm soát như thế nào để chứng minh đang hoạt động công nghệ cao", ông Trần Quốc Toản - Giám đốc một doanh nghiệp TNHH về lĩnh vực nông nghiệp - băn khoăn.

Tháo gỡ vướng mắc trong gói 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 1.

Cùng với đó, ông Trần Mạnh Báo - Tổng Giám đốc Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình - cũng bày tỏ lo lắng: "Về gói 100.000 tỷ đồng này, các ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh nên khi cho các doanh nghiệp vay sẽ yêu cầu phải đủ các điều kiện đảm bảo an toàn vốn. Tuy nhiên, với một doanh nghiệp chưa hình thành tài sản muốn vay gói này thì không có gì để thế chấp. Thứ hai, nếu mức vay lên tới 7% thì không hấp dẫn đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao".

Giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Agribank - cho hay: "Ngân hàng luôn đứng cùng phía với doanh nghiệp bởi xét cho cùng, ngân hàng là một nhà đầu tư. Nhà đầu tư rất mong muốn đầu tư vào doanh nghiệp hiệu quả, các dự án khả thi và có khả năng thu hồi vốn. Cùng với doanh nghiệp, ngân hàng sẽ xem xét ở tất cả các góc độ, rủi ro có thể xảy ra với một dự án".

Tháo gỡ vướng mắc trong gói 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 2.

"Tôi xin nhấn mạnh là đối với các dự án, đặc biệt là dự án nông nghiệp công nghệ cao, vấn đề tài sản đảm bảo không phải là trọng yếu. Bởi vì nếu tài sản đảm bảo trong dự án nông nghiệp công nghệ cao là hệ thống nhà xưởng, nhà kính, đất nông nghiệp khi cần xử lý sẽ rất khó khăn. Vì vậy, vấn đề ngân hàng quan tâm là làm sao giảm thiểu được tất cả các yếu tố, các vấn đề rủi ro xung quanh một dự án từ khâu đầu tư cho đến khâu sản xuất, tiêu thụ và khả năng thu hồi vốn", bà Nguyễn Thị Phượng khẳng định.

Tháo gỡ vướng mắc trong gói 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 3.

Phía ngân hàng rất muốn hợp tác, cho doanh nghiệp vay để quay vòng vốn, đặc biệt, Agribank tập trung cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp vay vốn. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng đang thiếu vốn và muốn hợp tác với ngân hàng nhưng hai bên vẫn chưa gặp nhau trong gói 100.000 tỷ đồng này.

Ông Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược, Bộ NN&PTNT - lý giải: "Đây là vấn đề lòng tin giữa doanh nghiệp và ngân hàng. Có sự đắn đo về tính hiệu quả dự án đầu tư của doanh nghiệp vì nếu thua lỗ thì cả hai bên cùng mất. Ngoài ra, khoa học công nghệ mà doanh nghiệp áp dụng được đánh giá mức độ hiệu quả đến đâu? Thông thường, các quốc gia trên thế giới có hệ thống quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư cho công nghệ, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, đây không phải là quỹ đầu tư mạo hiểm mà là quỹ đầu tư để phát triển do đó phải đương đầu với rủi ro. Đó chính là yếu tố các bên e ngại".

Mời quý độc giả theo dõi video chi tiết trong chương trình Đối thoại chính sách ngày 13/5/2017:

Đối thoại chính sách - 13/5/2017


TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước