Làm sao để đảm bảo bộ SGK mới hiệu quả và không lãng phí?

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 22/06/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Mỗi địa phương chọn những bộ SGK khác nhau. Do không có tính kế thừa, nên năm nào cũng thay SGK và thậm chí, SGK mới có khi đắt gấp 2, 3 lần.

Lãng phí sách giáo khoa

Một năm học mới lại sắp đến. Các bậc phụ huynh chuẩn bị đăng ký mua sách cho con. Với các bạn học sinh lớp 4, lớp 8 và lớp 11 thì việc mua sách mới năm nay là đương nhiên, vì đó là lộ trình thay đổi sách giáo khoa trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nhưng đáng nói, với những học sinh lớp 6, lớp 7 và 10 hay thậm chí lớp 1, lớp 2, lớp 3…thì chưa chắc những người em có thể dùng lại sách của những anh chị đi trước.

Các trường có thể dùng một bộ, hoặc kết hợp cả 3 bộ này lại với nhau để dạy học theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Việc này nhằm đáp ứng dạy và học tốt nhất. Nhưng cũng vì thế mà nếu muốn sử dụng lại, có thể môn này học sách giống nhau, môn kia lại học sách khác nhau. Học sinh cùng trường dùng lại sách của nhau là thuận tiện nhất. Nếu khác trường, người trong nhà, chưa chắc đã dùng lại được.

Làm sao để đảm bảo bộ SGK mới hiệu quả và không lãng phí? - Ảnh 1.

ẢNh minh họa.

Đề xuất các phương án hỗ trợ sách giáo khoa

Sách giáo khoa cũ - mới, có thể khác nhau về hình thức, cấu trúc, nhưng kiến thức phổ thông là căn bản. Nếu có cách biên soạn sách giáo khoa phù hợp, vì người học thì không chỉ năm học sau mà nhiều năm học sau đó các thế hệ học sinh vẫn sử dụng được. Hình thành tủ sách dùng chung tại các trường, hàng năm, học sinh mượn, học xong trả lại cho nhà trường để lớp sau học tiếp. Sách sẽ được quay vòng đến khi hỏng. Vậy, kinh phí ở đâu để lập các tủ sách giáo khoa này?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lên 3 phương án trình Chính phủ hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh phổ thông.

Với mức giá bình quân 200.000 đồng/bộ sách, Bộ GDDT đưa ra 3 phương án ngân sách nhà nước hỗ trợ mua SGK.

- Phương án 1: Nhà nước hỗ trợ 70% số học sinh chưa được hưởng chính sách. Kinh phí cần có là hơn 2 nghìn 100 tỷ đồng. 30% học sinh còn lại có thu nhập khá trở lên tự mua sách.

- Phương án 2: Nhà nước hỗ trợ 50% số học sinh chưa được hưởng chính sách. Kinh phí nhà nước cần hỗ trợ là hơn 1.500 tỷ đồng.

- Phương án 3: Ngân sách nhà nước hỗ trợ số lượng học sinh có cha mẹ thuộc hộ cận nghèo. Số kinh phí dự kiến là hơn 107 tỷ đồng.

Bộ GDDT cho biết, sẽ tiếp tục xin ý kiến Bộ tài chính, các cơ quan liên quan về cân đối ngân sách, cơ chế hỗ trợ SGK cho học sinh mượn, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Các nước sử dụng sách giáo khoa thế nào?

Sách giáo khoa được sử dụng khác nhau tại các nước, nhiều nước phát miễn phí như Nhật Bản, Nga. Trong khi các nước như Mỹ thì coi sách giáo khoa như loại tài liệu tham khảo. Thậm chí những nước không có sách giáo khoa như Australia

Sách giáo khoa tại Nhật Bản được phát miễn phí cho học sinh trường công lập. Sách mua bằng ngân sách nhà nước. Phía sau mỗi cuốn sách đều in một phần thông điệp "..Sách được cấp phát miễn phí từ tiền thuế của nhân dân. Hãy sử dụng một cách cẩn thận". Nhật Bản sẽ cấp phát sách giáo khoa điện tử miễn phí cùng với máy tính cho mỗi học sinh từ năm 2024, có thể làm giảm chi phí mua sách giao khoa tại nước này.

Học sinh các trường công ở Nga cũng được phát sách giáo khoa miễn phí ở bậc phổ thông. Tuy nhiên, sách không thuộc sở hữu của học sinh mà phải trả lại để khóa sau tiếp tục sử dụng. Trường phát sách vào đầu năm và cuối năm thu lại.

Các trường ở Australia không có sách giáo khoa mà dạy theo đề cương, chương trình học do nha khảo thí của cơ quan giáo dục Bang đưa ra. Giáo viên chủ động chọn tài liệu, các loại sách để dạy cho học sinh, miễn sao đáp ứng được kiến thức và nội dung chương trình.

Các trường ở Mỹ có sách giáo khoa. Tuy nhiên, giáo viên chủ yếu dựa vào khung chương trình, ít sử dụng sách giáo khoa. Mỗi trường, cụm trường hay quận dùng những bộ sách giáo khoa khác nhau. Việc lựa chọn sách gì, giáo trình của công ty nào là do kết quả làm việc giữa từng trường hoặc học khu với công ty xuất bản. Chi phí sách giáo khoa do trường chi trả. Các em học sinh thường dùng sách tại trường và không mang về nhà.

Nghị quyết 88 và Luật Giáo dục quy định xã hội hóa SGK là chủ trương hết sức đúng đắn, đột phá, chuyển từ cơ chế độc quyền sang cơ chế xã hội hóa nhằm khai thác, phát huy, sử dụng nguồn lực xã hội có hiệu quả và đáp ứng yêu cầu của phát triển. Sách giáo khoa chỉ là học liệu, công cụ để truyền đạt nội dung chương trình chứ không còn là căn cứ duy nhất để dạy, học, kiểm tra, đánh giá như trước đây. Tuy nhiên, SGK phải dùng được cho tất cả vùng miền, tất cả các đối tượng học sinh nên cuốn sách phải có kiến thức cơ bản, dễ tiếp cận, chi phí hợp lý, không có trục lợi trong lựa chọn sách giáo khoa… gắn với thực tiễn và có tính kế thừa. Đó là cách đơn giản nhất để chống lãng phí khi nói về sách giáo khoa.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hộp, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp là khách mời trong chương trình Vấn đề hôm nay đã đưa ra quan điểm để làm rõ hơn về vấn đề này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước