Quy hoạch lại mạng lưới trường lớp trên toàn quốc hiện được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, đây đồng thời là công việc không thể triển khai nóng vội, một sớm một chiều mà cần có sự tính toán, chuẩn bị kĩ lưỡng; do quá trình giải thể, sát nhập hoặc chia tách các trường có thể gây xáo trộn đến công tác dạy và học, làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của địa phương.
Sự việc xảy ra ở thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc khi một ngôi trường 25 năm tuổi với bề dày thành tích dạy và học đang đứng trước nguy cơ bị chia tách, sáp nhập, gây bức xúc cho người dân.
Cuối tuần nhưng vẫn có rất nhiều phụ huynh có mặt tại trường liên cấp THCS và THPT Hai Bà Trưng, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Họ chờ đợi thông tin chính thức về chủ trương của tỉnh liên quan đến việc tái cơ cấu trường này.
Theo dự kiến, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tách bậc THCS của trường Hai Bà Trưng thành 1 trường THCS mới. Còn với bậc THPT sẽ sáp nhập vào 1 trong 2 trường gần đó. Nhưng điều đáng nói là cả 2 trường này đều có điểm tuyển đầu vào và chất lượng đầu ra thấp hơn hẳn trường Hai Bà Trưng. Đặc biệt là trường THPT Phúc Yên mới thành lập vài năm nay, điểm chuẩn đầu vào có năm thấp hơn Hai Bà Trưng tới 14 điểm.
Điều này cho thấy, sự chênh lệch về chất lượng giữa các trường đã không được ưu tiên tính toán đến trong quá trình quy hoạch.
Đại diện Trường THCS & THPT Hai Bà Trưng cho biết, tập thể nhà trường chưa từng được lãnh đạo cấp trên thông báo công khai, hỏi ý kiến hay là bàn bạc, thống nhất về chủ trương này. Công tác tuyển sinh năm học mới vẫn diễn ra bình thường cho đến khi trường đột ngột bị yêu cầu tạm dừng tuyển sinh lớp 6, còn số phận học sinh khối THPT của trường cho đến nay chưa biết sẽ thế nào.
Tiếp nhận các ý kiến này, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã liên tục gửi văn bản báo cáo trình hình tới Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Đồng thời, đề xuất cần có thêm thời gian và lộ trình cụ thể để xử lý vụ việc. Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo quan điểm chỉ đạo của tỉnh, việc sát nhập các trường này lại với nhau vẫn sẽ phải tiến hành ngay trong năm học mới.
Một chủ trương đúng nhưng vì sao lại phải tiến hành một cách vội vã, thiếu sự chuẩn bị kĩ lưỡng, theo hướng áp đặt mệnh lệnh hành chính? Vì sao ý kiến của cả học sinh, phụ huynh và giáo viên đều chưa được lắng nghe trong sự việc này? Chỉ còn đúng 1 tuần nữa, năm học mới sẽ chính thức bắt đầu, nhưng các phụ huynh và học sinh của trường vẫn đang sống trong tâm trạng hoang mang, lo lắng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!