An Giang là địa phương đứng đầu cả nước về sản lượng lúa. Trên diện tích 630.000 ha hiện đã có 30 doanh nghiệp bắt tay với nông dân đầu tư sản xuất theo đơn đặt hàng của các nước.
Tại cánh đồng của Hợp tác xã Lộc Phát chuyên sản xuất cho thị trường EU, trồng giống lúa gì, bón phân thuốc gì không còn là chuyện của nông dân mà là yêu cầu từ thị trường. Nhiều thiết bị sản xuất hiện đại được áp dụng để tạo ra chất lượng hạt gạo đồng đều nhất.
Trên 400 ha lúa của Hợp tác xã Lộc Phát giờ đã trở thành cánh đồng mẫu cho một tư duy sản xuất mới khi doanh nghiệp nhận đặt hàng và quay lại tổ chức sản xuất cùng nông dân.
Để chuẩn bị cho năm 2023 sẽ có thêm 20 doanh nghiệp nữa đầu tư, các hợp tác xã tại An Giang đã lên kế hoạch. Việc xoay trục sản xuất theo đơn đặt hàng đã giúp các xã viên biết trước thu nhập ngay từ khi gieo hạt.
Còn tại huyện Hòn đất - huyện có diện tích lúa nhiều nhất nước, 800 ha lúa sản xuất hữu cơ của Công ty Trung An đã là cơ sở để tỉnh Kiên Giang mở rộng vùng đầu tư lên 63.000 ha, chuyên sản xuất cho thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phuc vụ xuất khẩu sẽ tập trung ở 2 vùng thuận lợi nhất đó là Vùng Tứ giác Long Xuyên và Vùng Đồng tháp Mười.
1 triệu ha lúa sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ, giảm phát thái, bảo vệ môi trường... đã và đang trở thành địa chỉ đỏ thu hút hàng chục doanh nghiệp đầu tư.
Theo tính toán, nếu xây dựng được 1 triệu ha chuyên canh chất lượng cao có thể làm ra trên 12 triệu tấn lúa/năm, tương đương khoảng 7 triệu tấn gạo. Giá trị sẽ không dừng ở con số 3,5 tỷ USD như năm 2022.
Hơn một nửa số nông dân vùng ĐBSCL có diện tích lúa trung bình dưới 0,5ha. Nếu cứ giữ cách sản xuất cũ, người nông dân chỉ đủ ăn. Làm giàu từ trồng lúa đòi hỏi cách nghĩ khác và làm khác, nếu không Việt Nam sẽ bỏ phí một lợi thế mà ít quốc gia có được.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!