Nói tới quốc gia châu Á có chi phí lao động thấp, dây chuyền sản xuất hiệu quả, thì theo một báo cáo kinh tế mới của trang Bloomberg, vẫn không quốc gia nào vượt qua được Trung Quốc, mặc dù thương chiến Mỹ-Trung khiến nhiều nhà sản xuất phải tìm chân trời mới.
Bloomberg Economics đã xem xét đến 6 khía cạnh từ lao động đến môi trường kinh doanh của 10 nền kinh tế châu Á để tìm ra nền kinh tế đang phát triển nào sẽ tiến lên chiếm lĩnh miếng bánh lớn hơn trong chuỗi sản xuất khi cuộc chiến thương mại đã và đang gặm nhấm vị trí công xưởng thế giới của Trung Quốc. Cuối cùng, Trung Quốc vẫn là điểm đến số 1 cho các hãng sản xuất.
Ấn Độ đứng đầu về tiềm năng xuất khẩu nhờ có dân số đông đảo. Đứng thứ hai là Indoneisa, thứ 3 là Việt Nam.
Tuy nhiên, cả 3 nền kinh tế này gặp phải những khó khăn từ trong chính nội tại.
Ấn Độ bắt đầu nỗ lực đuổi kịp khả năng sản xuất của Trung Quốc từ 5 năm trước, khi Thủ tướng Narendra Modi thông báo về sáng kiến "Make in India" với nhiều ưu đãi dành cho các công ty nước ngoài muốn mở nhà máy tại đây.
Đến năm 2050, Ấn Độ được dự báo sẽ vượt Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên, lợi thế nguồn cung lao động giá rẻ đã bị triệt tiêu bởi các yếu tố khác như cơ sở hạ tầng còn kém phát triển, luật đất đai, luật lao động còn lạc hậu cùng với bộ máy hành chính cồng kềnh.
Câu chuyện của Indonesia cũng tương tự như vậy. Mặc dù quốc gia Hồi giáo này xếp trên Ấn Độ về mức độ ổn định kinh tế vĩ mô nhưng bị kéo lùi bởi cơ sở hạ tầng yếu kém. Tháng 9/2019, Tổng thống Joko Widodo thừa nhận Indonesia không thể thu hút dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc vì nhà đầu tư vẫn lo ngại về các luật lệ cồng kềnh phức tạp.
Ví dụ gần nhất là khi Tập đoàn Sharp muốn chuyển dây chuyền sản xuất máy giặt từ Thái Lan sang Indonesia, công ty Nhật Bản này đã phải mất 2 năm để hoàn tất khâu chuẩn bị và giải quyết tất cả các vấn đề hành chính.
Trường hợp của Việt Nam lại bị vướng mắc bởi vấn đề cơ sở hạ tầng. Dòng tiền đổ vào các nhà máy mới khiến đường sá và các cảng biển bị quá tải. Trong khi đó, Trung Quốc sở hữu 7/10 cảng container nhộn nhịp nhất thế giới, 2 cảng lớn nhất của Việt Nam là cảng Sài Gòn và Cái Mép lần lượt đứng thứ 26 và 50.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!