Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đang chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế huy động nguồn lực vào đầu tư phát triển lưới điện truyền tải, đáp ứng yêu cầu truyền tải điện, đặc biệt là lưới điện đấu nối giải tỏa công suất các nhà máy điện vào hệ thống điện Quốc gia.
Vậy nếu được triển khai cơ chế này đem lại lợi ích gì, ghi nhận thực tế tại tỉnh Ninh Thuận, địa phương đang bị quá tải đường truyền.
Với 16 tuabin gió có công suất 37,6MW, mỗi ngày, Nhà máy điện gió Mũi Dinh, tỉnh Ninh Thuận mất đi khoảng 250 triệu đồng vì chỉ có khoảng từ 35 - 60% công suất được tiếp nhận lên lưới. Nếu tính chung trong cả năm, nhà đầu tư thiệt hại trên 90 tỷ đồng.
Trong vòng chưa tới 2 năm, tỉnh Ninh Thuận đã có 18 nhà máy với tổng công suất gần 1.200 MW đưa vào vận hành, trong đó, 10 dự án phải thực hiện giảm phát đến 60% công suất do quá tải đường truyền. Còn hạ tầng lưới điện đã không kịp triển khai vì qui định đầu tư các công trình Nhà nước.
Ninh Thuận là địa phương đầu tiên mạnh dạn đề xuất xã hội hóa việc đầu tư đường truyền tải điện 500KV từ các Nhà máy năng lượng tái tạo tới trạm biến áp, sau đó chuyển giao ngay cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý vận hành. Theo dự kiến, chỉ trong vòng 1 năm, dự án có thể hoàn thành còn nhà đầu tư được tăng công suất sản xuất điện.
Như vậy, về bản chất, việc cho phép tư nhân xây dựng hạ tầng truyền tải điện là một hình thức đầu tư công - tư. Tuy nhiên, do Luật quy định đây là lĩnh vực độc quyền của EVN nên việc đầu tư xong chuyển giao vận hành là bắt buộc. Cách làm này sẽ không mất đi vai trò quan trọng của EVN trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời mở ra một hướng đi mới đối với vấn đề đầu tư hạ tầng truyền tải điện tại Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!