Tờ Tuổi trẻ cho rằng dù đề xuất cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh trực tiếp ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhưng không hiểu sao buổi đối thoại lấy ý kiến của Bộ Công Thương ngày 25/9 vẫn còn ít sự đóng góp của các doanh nghiệp.
Người chủ trì hội nghị là ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng vụ Pháp chế điều hành và phản hồi doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến phần chính là đối thoại, dù nhiều lần mời nhưng số lượng phát biểu vẫn rất ít, DN nhỏ gần như vắng bóng.
Ông Tân cho rằng việc ít có ý kiến có thể có 2 trường hợp, một là rất hài lòng, 2 là tẩy chay. Bên cạnh đó, dù đã mời nhưng một số DN không đi đợt này vì chờ tổ chức ở TP.HCM.
Trong khi đó, trăn trở của Thời báo Kinh doanh tóm gọn trong tiêu đề: Đơn giản thủ tục hành chính - Không phải chỉ cắt là xong.
Không phải cứ đơn giản hóa là bớt rắc rối, đôi khi doanh nghiệp cũng vẫn không kịp trở tay. Tờ này ví dụ từ câu chuyện của ngành gas. Đây là ngành kinh doanh có điều kiện. Các văn bản quy định kinh doanh khí trước đây có Nghị định 107, năm 2016 được thay bằng Nghị định 19.
Tưởng là đơn giản hơn nhưng thực tế, nghị định mới lại chưa như mong đợi. Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh tăng gấp 3 lần, thủ tục cũng tăng nhiều. Một nghị định mới lại được đề xuất thay thế, doanh nghiệp lại sợ lo được hết giấy tờ đáp ứng Nghị định 19, chính sách thay đổi lại trở tay không kịp.
Tờ này cũng nhấn mạnh cần phải kiểm soát để không làm phát sinh thủ tục mới. Chia sẻ trăn trở này, tờ Nông thôn ngày nay có bài viết Giám sát để thực thi thay vì hứa suông. Thực hiện hóa đề xuất này cần một quyết tâm chứ không chỉ dừng ở tuyên bố của Bộ trưởng để rồi đơn vị cấp dưới không thực hiện, hoặc cắt chỗ này lại phình chỗ khác.
Thống kê của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, mỗi năm, DN phải bỏ ra 28.3 triệu ngày công với 14.300 tỷ đồng chi phí cho kiểm tra chuyên ngành. Việc kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra thủ công và giấy phép con đang cản trở rất nhiều, đặc biệt trong nhập khẩu. Tờ này ví dụ, 1 thanh socola mà cần đến 13 giấy phép.
Quyết tâm cắt giảm hơn 50% điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương là rất đúng đắn và kịp thời, nhưng gần 50% còn lại vẫn cần tiếp tục ra soát để gỡ khó cho doanh nghiệp. Đây là phát súng đầu tiên với công bố rõ ràng nhưng chỉ mới là quyết tâm thời gian tới, còn để doanh nghiệp cảm nhận được ngay lập tức thì chưa vì hầu hết điều kiện kinh doanh đang nằm ở các nghị định.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!