Đà Nẵng: Cổ phần hóa DN và những vướng mắc từ thực tế

Hoài Thu -Chủ nhật, ngày 23/03/2014 13:05 GMT+7

Tại Đà Nẵng, về cơ bản đến năm 2015 sẽ hoàn thành cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc thành phố quản lý, nhưng trên thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn và những điểm bất hợp lý cần khắc phục.

Chưa bao giờ, Chính phủ đặt vấn đề quyết liệt tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước như hiện nay và vấn đề sử dụng vốn, tài sản, nguồn lực của Nhà nước có hiệu quả hay không được mổ xẻ để tìm giải pháp phát triển bền vững doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, chủ trương cổ phần hóa được xem là bước đi mang tính bắt buộc.

‘ Ảnh minh họa

Dù đã có chủ trương cổ phần hóa cách đây 10 năm, nhưng từ giữa năm 2013 đến nay, Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng Xây lắp và Kinh doanh nhà Đà Nẵng mới thật sự bắt tay vào các công việc chuẩn bị cổ phần hóa. Vướng mắc của Ban chỉ đạo cổ phần hóa của doanh nghiệp chính là xác định giá trị doanh nghiệp, trong đó có xác định phần vốn của nhà nước. Nhưng cái khó nhất từ phía doanh nghiệp là đưa ra phương án lao động vì điều này ảnh hưởng tới cuộc sống và việc làm của nhiều người. Để đưa ra phương án lao động với 92 người phải nghỉ việc, Công ty này phải trải qua nhiều cuộc họp căng thẳng, áp lực. Nhưng rồi, mọi việc đã được giải quyết trên cả lý lẫn tình.

Ông Nguyễn Văn Bường - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng Xây lắp và Kinh doanh nhà Đà Nẵng cho biết: “Công ty cũng cố gắng giải quyết có lợi cho người lao động”.

Theo ông Huỳnh Trinh - Trưởng phòng Tổ chức lao động và tiền lương của công ty thì người lao động ủng hộ và điều quan tâm nhất là có việc làm sau khi cổ phần hóa.

Nếu hoàn thành cổ phần hóa vào tháng 6/2014 như dự kiến thì công ty trên sẽ là doanh nghiệp thứ 39 của Đà Nẵng được cổ phần hóa - một trong những hình thức tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước được thực hiện từ năm 1998 đến nay. Như vậy, Đà Nẵng vẫn còn 2 đơn vị công ích là Công ty Môi trường đô thị và Công ty cấp nước sẽ thực hiện cổ phần hóa từ nay đến năm 2015, đảm bảo được tiến độ đề ra. Tuy nhiên, cũng như các tỉnh thành khác, điểm khó khăn nhất của tiến trình cổ phần hóa là xử lý tồn đọng tài chính.

Ông Phạm Cư - Phó giám đốc Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng chia sẻ: “Những cái này tồn tại từ nhiều năm nay, một số đơn vị lưu sổ sách không đầy đủ nên việc xác định nguyên nhân để có biện pháp xử lý rất khó”.

Ngoài ra, qua thực tế triển khai còn có những bất hợp lý liên quan đến việc quản lý sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa. Các doanh nghiệp do địa phương quản lý được đầu tư từ ngân sách địa phương, nhưng khi cổ phần hóa thì số tiền thu được từ sắp xếp, chuyển đổi hình thức sở hữu lại phải nộp về Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý chứ không phải thuộc về ngân sách địa phương, nơi xuất phát ban đầu của nguồn vốn.

Ví dụ như vốn mà ngân sách của Đà Nẵng đầu tư cho Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng Xây lắp và Kinh doanh nhà Đà Nẵng được xác định là 29 tỷ đồng sẽ phải đưa về cho SCIC. Đây không phải chỉ là vướng mắc của Đà Nẵng mà của nhiều địa phương khác trên cả nước đã và đang cổ phần hóa.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước